Xây dựng ý thức trách nhiệm
Năm học mới đã trôi qua gần một tháng. Bên cạnh vấn đề thu chi đầu năm vẫn đang khá “nóng” trên các diễn đàn mạng xã hội, một chủ đề cũng được dư luận quan tâm, tranh luận trong thời gian gần đây là có hay không nên kiểm tra miệng đầu giờ đối với học sinh.
Thực tế, hình thức kiểm tra miệng đầu giờ học đã được duy trì nhiều năm qua nhằm giúp các thầy, cô giáo theo dõi học sinh có học bài ở nhà hay không, có hiểu bài hay không. Theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Việc đánh giá được thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ.
Trong quá trình đánh giá, phải quan tâm tới sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh, không so sánh học sinh với nhau. Cũng tại Thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.
Có thể thấy, hình thức kiểm tra miệng hay kiểm tra vở ghi bài của học sinh có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng, hình thành thái độ nghiêm túc trong học hành của mỗi học sinh. Học sinh nào chấp hành nghiêm túc việc tự học ở nhà, nắm được cơ bản vấn đề thì chắc chắn rất hứng thú khi được gọi kiểm tra miệng, và ngược lại, sẽ sợ nếu lười học. Thông qua việc kiểm tra, các thầy, cô giáo không những biết được học sinh hổng chỗ nào, hiểu bài đến đâu mà còn biết, thông báo kịp thời về thái độ học tập cho phụ huynh để cùng kèm cặp, dạy dỗ con cái. Thế nhưng, nếu việc kiểm tra miệng bị đẩy quá lên, trở thành “công cụ” để “hành” hay “trù úm” thì sẽ phản tác dụng, làm học sinh thiếu tự tin, chán nản. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là có hay không nên kiểm tra miệng mà là cách thức, mức độ kiểm tra thế nào cho phù hợp để khuyến khích học sinh hăng say, chí thú học hành. Mà điều này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng nắm bắt tâm lý và cả cái tâm của người đứng lớp.
Như đã nói, nếu việc kiểm tra, đánh giá được tiến hành công minh, nghiêm túc thì sẽ đem lại hiệu quả giáo dục tích cực, góp phần xây dựng thái độ học tập nghiêm túc, hình thành nhân cách tốt cho trẻ. Tất nhiên, sẽ khó tránh được có những hiện tượng cá biệt có thể xảy ra, lấy đây làm “công cụ” để “trù úm” học sinh, tạo sức ép, căng thẳng không cần thiết. Nhưng chắc chắn, đó chỉ là số ít, mà để kiểm soát, mỗi nhà trường cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, lắng nghe ý kiến của học sinh, của phụ huynh để có biện pháp quản lý, điều chỉnh phù hợp. Làm được như vậy thì sẽ góp phần kiểm soát việc “lạm quyền”, gây khó dễ, “trù úm”, tác động tiêu cực đến tâm lý học sinh.
Giáo dục là một quá trình lâu dài, đòi hỏi có sự chung tay của cả gia đình và nhà trường, thông qua nhiều phương pháp, hình thức phù hợp. Trên tinh thần đó, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, theo hướng tích cực thay vì một vài hiện tượng cá biệt mà dễ dãi, buông lỏng kiểm tra, giám sát. Ở lứa tuổi học trò, ý thức tự giác, chấp hành kỷ luật còn chưa cao và việc kiểm tra sát sao sẽ góp phần xây dựng ý thức trách nhiệm, nhân cách cho trẻ.