Khi nhạc trẻ khai thác chất liệu văn học
Bên cạnh sử dụng chất liệu dân gian, truyền thống, thời gian gần đây, các nghệ sĩ âm nhạc trẻ đang có xu hướng khai thác những tác phẩm văn học cho nhiều sản phẩm mang phong cách trẻ trung, cá tính.
Đây tiếp tục là hướng đi đáng khuyến khích, để âm nhạc Việt Nam hiện đại, tươi mới, dễ tiếp cận công chúng hôm nay mà không phai nhạt bản sắc.
Văn học bước vào âm nhạc
Với album “Vũ trụ cò bay” lấy chất liệu từ các tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông vừa ra mắt, cô bé dân ca Phương Mỹ Chi năm nào đánh dấu sự trưởng thành ở tuổi 20 thật ấn tượng.
“Vũ trụ cò bay” gồm 10 ca khúc, khai thác nhân vật hoặc ý thơ, ý văn quen thuộc. “Vũ trụ cò bay”, “Gối gấm” mượn ý thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương trong bài “Tự tình II”, “Lấy chồng chung”, “Canh khuya”. “Người con gái nằm nghe biển hát” dựa theo bài “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn...
Các ca khúc “Chiếc lược ngà”, “Hai đứa trẻ”, “Những ngôi sao xa xôi” từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Thạch Lam, Lê Minh Khuê...
Đặc biệt, “Bóng phù hoa” đang được khán giả yêu thích với hơn 1 triệu lượt nghe trên YouTube, mượn ý từ “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
Với album này, nữ ca sĩ “gen Z” kết hợp với nhóm DTAP để thể hiện các tác phẩm vừa mang âm hưởng dân ca, vừa có chất nhạc điện tử hay dance, disco, rap… Nhiều ca khúc do chính cô viết lời, được hát bằng giọng dân ca trời cho đã có nhiều tìm tòi hiện đại.
Trước đó, ca sĩ Hòa Minzy cũng tạo ấn tượng với khán giả qua bài hát “Thị Màu” lấy cảm hứng từ nhân vật trong truyện thơ Nôm “Quan Âm Thị Kính”.
Âm nhạc độc đáo, hòa trộn nhạc điện tử với âm hưởng chèo, ca từ trẻ trung, “Thị Màu” nhanh chóng trở thành ca khúc thịnh hành trên các nền tảng trực tuyến, với hàng triệu lượt xem. Ca sĩ trẻ Đức Phúc cũng từng có MV “Hết thương cạn nhớ” gây “bão” từ truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.
Định hình rõ phong cách, dẫn đầu xu hướng âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học và chất liệu truyền thống là ca sĩ Hoàng Thùy Linh với loạt ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” từ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Lão Hạc”, “Tắt đèn”; ca khúc “Bánh trôi nước” mượn tứ thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương…
Hầu hết các sản phẩm âm nhạc kể trên ra mắt đều nhận được sự chú ý, đón nhận của khán giả, với hàng triệu lượt xem và lọt tốp ca khúc thịnh hành trên mạng. Điều đó cho thấy, việc khai thác chất liệu văn học trong âm nhạc hiện đại là hướng đi đúng đắn, tạo bản sắc riêng cho âm nhạc Việt và dễ tiếp cận người nghe.
Mạnh dạn tiếp tục sáng tạo
Khác với các loại hình sân khấu, điện ảnh hay nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, văn học bước vào âm nhạc nhẹ nhàng hơn, thường chỉ bằng một cái tên nhân vật, một ý thơ, tứ truyện…
Nhưng là loại hình đại chúng hàng đầu trong các bộ môn nghệ thuật, âm nhạc đã đưa các tác phẩm văn học trở nên gần gũi, đáng nhớ với các bạn trẻ. Ngược lại, chính những tác phẩm văn học nổi tiếng, quen thuộc mà phần lớn khán giả hiện nay đã được học trong chương trình phổ thông lại là cầu nối nhiều đối tượng khán giả đến với âm nhạc trẻ.
Thường xuyên xem, nghe, đọc cùng các con, chị Bùi Phương Lan (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi thấy những ca khúc khai thác chất liệu văn học khá dễ nghe và ấn tượng. Chúng giúp tôi hiểu về thế hệ trẻ hiện nay, tìm được tiếng nói chung để đồng hành với con cái”.
Tuy nhiên, hiện có nhiều ca sĩ, nhất là những người trẻ mạnh dạn sáng tạo trên con đường này đang bị đem ra so sánh, cho là bắt chước, “ăn theo” những người thành công trước đó. Ca sĩ Phương Mỹ Chi thẳng thắn cho rằng, văn học là một vùng đất màu mỡ mà bất cứ ai cũng có thể khai thác.
“Tôi mong muốn truyền tải những giá trị văn học đến khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ thế hệ “gen Z” thông qua âm nhạc”, nữ ca sĩ trẻ chia sẻ.
Hợp tác cùng ca sĩ Phương Mỹ Chi trong album “Vũ trụ cò bay” với ca khúc “Chiếc lược ngà”, Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long cũng nhận định, việc khai thác chất liệu văn học, yếu tố truyền thống là một bước tiến, xu hướng giúp các bạn trẻ thay đổi góc nhìn về các dòng nhạc trữ tình, dân ca.
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho hay, văn học và các chất liệu truyền thống được nhiều thế hệ nhạc sĩ khai thác từ lâu. Gần đây, trào lưu này nở rộ, không chỉ tự thân các nhạc sĩ sáng tác, nhiều ca sĩ trẻ đã chủ động đặt hàng hoặc kết hợp với nhạc sĩ, nhà sản xuất thực hiện những tác phẩm âm nhạc khai thác văn học và chất liệu truyền thống. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những bài hát hời hợt hoặc thay đổi nội dung không còn liên quan đến hình tượng, tính cách nhân vật gốc. Có ca sĩ sử dụng trang phục, vũ đạo biểu diễn không liên quan đến nội dung bài hát, thậm chí gây phản ứng từ công chúng...
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, các nghệ sĩ âm nhạc tiếp tục mạnh dạn khai thác chất liệu tiềm năng này nhưng cần chắt lọc và đi vào chiều sâu mới tạo thành một dòng nhạc đặc sắc trong đời sống âm nhạc Việt Nam.