Tuần lễ Vàng tại Trung Quốc: Tiếp năng lượng cho nền kinh tế số hai thế giới
Sau một mùa hè sôi động, thị trường du lịch Trung Quốc đang có thêm một cú hích với kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng. Là sự kết hợp giữa Tết Trung thu và Ngày Quốc khánh, kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình, cũng như tiếp thêm năng lượng phục hồi cho nền kinh tế số hai thế giới.
Trong Tuần lễ Vàng, trên khắp Trung Quốc, mọi người háo hức mong chờ những khoảng thời gian đầm ấm, vui vẻ bên gia đình sau giai đoạn đại dịch Covid-19 đầy thử thách.
Tuần lễ Vàng năm nay kéo dài 8 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày 29-9. Thông thường, đây là thời điểm phát triển mạnh mẽ đối với ngành Du lịch và bán lẻ, đồng thời mang đến nhiều hứa hẹn trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm bao trùm Bắc Kinh trong những tháng gần đây.
Theo đó, kỳ nghỉ trong Tuần lễ Vàng được kỳ vọng sẽ giải phóng nhu cầu bị dồn nén và tiếp thêm năng lượng cho động cơ tiêu dùng trong nước. Ngay cả khi nhiều người Trung Quốc vẫn còn ngần ngại chi tiền cho những chuyến du lịch nước ngoài, thì số tiền họ chi tiêu trong nước trong kỳ nghỉ sẽ là một chỉ số quan trọng cho thấy nhu cầu tiêu dùng là yếu tố then chốt trong khả năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Ước tính có khoảng 800 triệu chuyến du lịch sẽ được thực hiện trong dịp nghỉ Tết Trung thu và Quốc khánh năm nay. Dữ liệu mới nhất về các sản phẩm du lịch, lưu trú và du lịch trong kỳ nghỉ đều chỉ ra sự phục hồi rõ rệt so với mức đã thấy trong năm 2019, khẳng định sự “hồi sinh” đáng chú ý trong hoạt động tiêu dùng.
Theo China Railway Shanghai Group Co, mạng lưới đường sắt ở khu vực Đồng bằng sông Dương Tử đã cung cấp hơn 2,5 triệu chuyến chuyên chở hành khách từ ngày 27-9, cao hơn 600.000 chuyến so với mức năm 2019, tạo ra mức tăng trưởng hơn 30%. Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc dự báo có 190 triệu chuyến đi bằng đường sắt sẽ được thực hiện trong kỳ nghỉ lễ, tăng so với 138 triệu chuyến trong cùng kỳ năm 2019.
Học viện Du lịch Trung Quốc cho biết, có hơn 100 triệu chuyến du lịch sẽ được thực hiện mỗi ngày trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, vượt xa mức của năm ngoái và năm 2019. Về hàng không thương mại, hơn 21 triệu du khách sẽ đi các chuyến bay trong khoảng thời gian kéo dài 8 ngày và trung bình có 14.000 chuyến bay nội địa sẽ được khai thác mỗi ngày, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com, du lịch nước ngoài dự kiến sẽ tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty Du lịch U-tour dự đoán số lượng khách du lịch nước ngoài sẽ vượt kỳ nghỉ lễ hồi tháng 5 năm nay, với mức tăng gấp 5 lần.
Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc đã trở thành điểm nhấn độc đáo cho việc chi tiêu vì kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày cũng là những ngày thi đấu chính của Đại hội Thể thao châu Á đang diễn ra (kéo dài từ ngày 23-9 đến 8-10).
Cong Yi, Giáo sư từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân nói với Global Times: “Đại hội Thể thao châu Á là sự thúc đẩy lớn cho các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng, từ thể thao và văn hóa đến phục vụ ăn uống cho thành phố đăng cai cùng các thành phố lân cận ở tỉnh Chiết Giang, cũng như khu vực Đồng bằng sông Dương Tử”.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự gia tăng đáng kể về lượng đặt vé máy bay, vé tàu, chỗ ở và các sản phẩm du lịch ở kỳ nghỉ lễ này chắc chắn sẽ giải phóng thêm tiềm năng tiêu dùng, minh họa rõ ràng cho quỹ đạo tích cực của nền kinh tế Trung Quốc.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc trông cậy kỳ nghỉ sẽ khơi dậy sự phục hồi được chờ đợi từ lâu về doanh số bán nhà. Zhang Hongwei, người sáng lập Jingjian Consulting - công ty chuyên tư vấn cho các công ty bất động sản, cho biết: “Doanh số bán bất động sản năm nay rất mờ nhạt, vì vậy, đối với hầu hết các chủ đầu tư, việc đẩy nhanh giao dịch trong hai tháng tới sẽ là cú hích lớn hơn để thúc đẩy doanh số bán hàng vào cuối năm”.
Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế nước này và cho rằng, Bắc Kinh sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Các nhà phân tích nhận định, ở một góc độ nào đó, sự sôi động của Tuần lễ Vàng sẽ lập tức mang lại sự thúc đẩy cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ đang gặp khó khăn. Nhưng cơ bản hơn, việc này thể hiện khả năng phục hồi cơ cấu và tiềm năng lâu dài của nền kinh tế lớn nhất châu Á.