Xã hội

Phát huy vai trò người cao tuổi trong phát triển Hà Nội

Nguyên Hoa 01/10/2023 - 07:19

Thời gian qua, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò người cao tuổi trong sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi (1-10) và Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn xung quanh vấn đề này.

pho-truong-ban-thuong-truc-.jpg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn.

Thiết thực chăm lo người cao tuổi

- Công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi được các cấp Hội Người cao tuổi thành phố thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Thành phố Hà Nội hiện có 4.846 chi hội người cao tuổi, 14.251 tổ hội và hơn 1.000.000 hội viên, đạt 90,61% số người cao tuổi. Trong thời gian qua, để thực hiện tốt vai trò nòng cốt và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố luôn quan tâm và có những đề xuất cụ thể góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ về chế độ trợ cấp xã hội, Bảo hiểm y tế… Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, phối hợp tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 133.000 người từ 70 tuổi trở lên với tổng số tiền trên 91 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp, ngành, đơn vị tặng gần 20.000 suất quà trị giá gần 4 tỷ đồng tới người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp Ngày truyền thống người cao tuổi (6-6), “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, các cấp hội thành phố cùng với các cấp, ngành, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà 126.880 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và người cao tuổi trong diện thực hiện chính sách có nhiều khó khăn với tổng số tiền trên 37,48 tỷ đồng.

Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố cũng đã ký chương trình phối hợp với các sở, ngành, Bệnh viện Mắt quốc tế và Bệnh viện Thu Cúc nhằm tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Thủ đô. Hiện nay, 100% Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn phối hợp xây dựng Quỹ “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” với tổng số dư trên 69 tỷ đồng; quỹ Hội toàn thành phố hiện có số dư gần 367,754 tỷ đồng. Ngoài ra, 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập được 257 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với trên 14.000 hội viên...

- Ngoài sự quan tâm của trung ương, thành phố Hà Nội có những ưu tiên gì dành cho người cao tuổi?

- Phát huy truyền thống “Kính già, yêu trẻ”, “Kính lão, đắc thọ” của dân tộc, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chế độ, chính sách chăm lo cho người cao tuổi, nhất là đối với người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ cận nghèo, người cô đơn…

Cụ thể, hằng tháng trợ cấp xã hội cho 364.152 người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi khuyết tật, nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa; 92.166 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 882.643 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 84,6%. Có 446.955 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; 509.121 người cao tuổi có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu.

Thành phố hiện có 2 cơ sở dưỡng lão của Nhà nước, 12 cơ sở dưỡng lão của các doanh nghiệp, góp phần chăm lo cho người cao tuổi. Chưa kể, người cao tuổi thành phố được đi xe buýt miễn phí. Để người cao tuổi thuận lợi hơn trong hoạt động kinh tế, thành phố đã cho 9.000 người cao tuổi vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

kham-dieu-tri-cho-nguoi-ca.jpg
Khám, điều trị cho người cao tuổi tại Bệnh viện Thu Cúc. Ảnh: Minh Thu

Tiếp tục thể hiện vai trò “Tuổi cao, gương sáng”

- Với sự quan tâm thiết thực này, người cao tuổi Thủ đô đã thể hiện vai trò “tuổi cao, gương sáng” như thế nào để góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô?

- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tuổi già nhưng chí không già, góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”, người cao tuổi của thành phố đã có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực. Tiêu biểu là, người cao tuổi đã hiến 335.894m2 đất, đóng góp 99.939 ngày công, ủng hộ trên 17 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Thành phố có 157.962 người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, 9.178 người cao tuổi là chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cá thể ở địa phương, tạo việc làm cho 76.800 người, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Các cấp hội luôn coi trọng tiềm năng, kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi, khuyến khích động viên tham gia đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Hiện thành phố có 61.830 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở, tổ an ninh tự quản. 63.430 người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, khuyến học; 35.711 người cao tuổi tham gia phòng, chống tội phạm, trật tự an ninh ở địa bàn thôn, khu dân cư...

Chỉ tính riêng trong đợt phòng, chống dịch Covid-19, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố và cấp huyện đã tích cực tuyên truyền vận động người cao tuổi cùng các tầng lớp nhân dân đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thành kế hoạch của thành phố, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch.

- Ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, theo đồng chí người cao tuổi cần làm gì để thể hiện tốt vai trò, vị thế của mình?

- Theo tôi, để thể hiện được vai trò, vị thế của người cao tuổi trong xã hội, trước tiên, người cao tuổi cần chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ Hội, gương mẫu tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Cùng với đó là tích cực tham gia vào tổ chức Hội Người cao tuổi và gương mẫu tham gia các phong trào do Hội phát động.

- Về phần mình, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi và các cấp Hội Người cao tuổi thành phố sẽ làm gì để công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi được tốt hơn nữa trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Trước tiên, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố sẽ chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện và thực thi tốt các chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hội cũng chú trọng đổi mới nội dung, cách thức hoạt động các phong trào thi đua theo hướng thực chất, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Chúng tôi sẽ mở rộng các hình thức tập hợp người cao tuổi tham gia hoạt động; tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp của Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tạo điều kiện để người cao tuổi được tham gia đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Ngoài ra, sẽ chú trọng khai thác nhiều nguồn lực để chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; gắn phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo chương trình mục tiêu của UBND thành phố Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!