Nông nghiệp

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ hợp tác xã

Nguyễn Mai 01/10/2023 - 07:06

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng phát triển hợp tác xã trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động với số lượng, quy mô, chất lượng ngày càng gia tăng. Trong đó, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao hiệu quả và thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hợp tác xã.

trong-rau-an-toan-o-hop-tac.jpg
Trồng rau an toàn ở Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện toàn thành phố có 1.389 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.149 hợp tác xã đang hoạt động, 240 hợp tác xã ngừng hoạt động chờ giải thể. Có hơn 61% hợp tác xã được xếp loại khá, tốt; 34,9% hợp tác xã xếp loại trung bình và hơn 4% hợp tác xã yếu.

Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần vào thành tựu tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Thủ đô. Trong đó có 166 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 134 hợp tác xã sở hữu 448 sản phẩm được công nhận OCOP; 80 hợp tác xã có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; 68 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; 6 hợp tác xã phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; 4 hợp tác xã phát triển du lịch sinh thái…

Trên địa bàn Thủ đô cũng đã hình thành các nhóm hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo định hướng phát triển của thành phố như: Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) tiêu biểu trong chuyển đổi số, quản lý sản xuất bằng công nghệ số hiện đại.

Các hợp tác xã: Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai); Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm); Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì)... tiêu biểu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) tiêu biểu trong tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, năng lực trình độ và vốn của các hợp tác xã còn hạn chế, chưa đa dạng dịch vụ các thành viên, chủ yếu vẫn làm các dịch vụ truyền thống; một số hợp tác xã chưa thực hiện được các dịch vụ đầu vào, đầu ra hiệu quả... Ngoài ra, các sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu là thô chưa qua sơ chế, chế biến; sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, liên kết chuỗi hạn chế...

Huyện Phúc Thọ là một trong những địa phương phát triển hợp tác xã còn nhiều khó khăn. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Vũ Thị Huệ thông tin, huyện hiện có 50 hợp tác xã, trong đó có 7 hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Kết quả phân loại hợp tác xã gần đây cho thấy, chỉ có 30% hợp tác xã hoạt động khá và tốt; 70% hợp tác xã hoạt động trung bình và yếu.

“Huyện có tới 27 hợp tác xã không có trụ sở, phải làm việc tại gia đình; 16 hợp tác xã nằm trong khuôn viên trụ sở UBND các xã. Các hợp tác xã chưa đa dạng được dịch vụ, chủ yếu thực hiện các dịch vụ truyền thống”, bà Vũ Thị Huệ nhận định.

Để tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, cùng với triển khai nhiều các cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố, Chi cục đã phối hợp với các huyện và đơn vị liên quan tổ chức 2 chương trình tập huấn, đó là: Nâng cao năng lực cho các hợp tác xã trên địa bàn (dành cho thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, kiểm soát viên và cán bộ hợp tác nông nghiệp...); củng cố hợp tác xã nông nghiệp (dành cho các hợp tác xã được đánh giá là trung bình và kém).

Theo Tiến sĩ Ninh Đức Hùng, giáo viên Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT (Bộ NN&PTNT), tại các buổi tập huấn, học viên được cập nhật chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp; các điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2023; thảo luận về giải pháp củng cố hợp tác xã theo nhóm.

“Với nhóm hợp tác xã hoạt động tốt và khá, các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào xây dựng nhãn hiệu tập thể, chứng nhận chất lượng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, liên kết chuỗi... Đối với nhóm trung bình và yếu, cần hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm mô hình hoạt động hiệu quả; hỗ trợ kết nối để liên kết tiêu thụ sản phẩm thô; hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm…”, ông Ninh Đức Hùng nói.