Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam - Nét văn hóa độc đáo của phố biển Vũng Tàu
Ngày 30-9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam và Lễ công bố Quyết định đưa Lễ hội truyền thống - Lễ hội Nghinh Ông vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội truyền thống - Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội này là nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống lâu đời của nhân dân thành phố biển.
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn mà còn là dịp để cho ngư dân và du khách thập phương thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Lễ hội Nghinh Ông được bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ của cư dân vùng ven biển Việt Nam, với quan niệm cá ông (cá voi) là linh vật, là vị thần thiên linh, là chỗ dựa tinh thần của cư dân mỗi khi đi biển, nhất là những lúc đi biển gặp hiểm nguy.
Lễ hội Nghinh Ông tổ chức hằng năm là dịp để bà con ngư dân cầu bình an, mong đánh bắt được nhiều cá tôm, có cuộc sống bình yên, hạnh phúc cũng như là dịp để cư dân vùng biển báo nghĩa, đền ơn. Lễ hội này được tổ chức ở nhiều miền biển, nhưng ở Vũng Tàu là quy mô nhất. Từ năm 2000, Lễ hội Nghinh Ông ở phường Thắng Tam được Tổng cục Du lịch chọn là một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước.
Theo các bậc bô lão, đình thần Thắng Tam được xây dựng vào năm Canh Thìn (1820), thời nhà Nguyễn, để thờ 3 vị Tiên hiền có công khai sáng vùng đất Vũng Tàu. Sau đó, đến cuối thế kỷ 19, người dân địa phương xây dựng thêm miếu Bà Ngũ Hành và Lăng Ông Nam Hải, tạo thành Khu di tích đình thần Thắng Tam như bây giờ.
Ngày nay, cứ đến ngày 16, 17, 18-8 âm lịch hằng năm, lại diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam - Vũng Tàu, hàng vạn người dân và du khách thập phương từ khắp nơi đã quy tụ về đây để thắp hương, khấn vái cầu an, tri ân các bậc Tiên hiền. Hiện ở đình Thắng Tam còn lưu giữ nhiều bộ xương cá voi, trong đó bộ xương từ năm 1868, nặng 4 tấn, dài 30m.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lòng tin của ngư dân vào vị Nam Hải tướng quân ngày nay vẫn còn nguyên vẹn. Mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn được tiếp nối ngay cả trong cuộc sống hiện đại, khi mà họ vẫn hướng về những vị tiên hiền, hậu hiền, về những con người đã khai phá và tạo dựng nên một vùng đất để có ngày hôm nay.
Khách thập phương cũng đến để thắp hương khấn nguyện một điều gì đó cho bản thân, cho gia đình và cũng để hòa nhập vào lịch sử, truyền thống và những nét văn hóa của một vùng đất, con người Bà Rịa - Vũng Tàu.