Cử tri Slovakia bắt đầu bỏ phiếu bầu cử quốc hội
Sáng 30-9 (giờ địa phương), cử tri Slovakia bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Đây là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa đảng Dân chủ Xã hội Smer-Slovak (Smer-SD) của cựu Thủ tướng Robert Fico, người đã cam kết chấm dứt viện trợ quân sự cho nước láng giềng Ukraine và đảng Cấp tiến Slovakia (PS) theo đường lối thân phương Tây.
Tham gia tranh cử có 25 đảng phái chính trị, chạy đua giành 150 ghế tại cơ quan lập pháp Slovakia. Để có đại diện tại Quốc hội Slovakia, một chính đảng cần giành được ít nhất 5% số phiếu bầu, trong khi ngưỡng tối thiểu quy định đối với một liên minh gồm 2 hoặc 3 đảng là 7%, liên minh gồm 4 đảng là 10%.
Cuộc chạy đua giành ghế tại Quốc hội Slovakia năm nay diễn ra căng thẳng khi các đảng phái chính trị chú trọng tới những vấn đề như chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia, các chủ đề dân sinh như tăng số ngày nghỉ, tăng lương hưu... để vận động sự ủng hộ của cử tri.
Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đảng Smer-SD của cựu Thủ tướng Robert Fico đang dẫn đầu với tỷ lệ cử tri ủng hộ duy trì trên 20%. Các ưu tiên trong chiến lược tranh cử của chính đảng này là lấy chủ quyền làm nền tảng trong chính sách đối ngoại của Slovakia; duy trì ổn định mức sống của người dân; tăng cường quản lý khủng hoảng.
Nếu giành chiến thắng, một chính phủ mới do đảng của ông Robert Fico lãnh đạo có thể tạo dựng mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có nhiều quan điểm trái ngược với Liên minh châu Âu (EU) về cuộc xung đột tại Ukraine.
Tiếp theo là đảng PS do ông Michal Simecka làm Chủ tịch có tỷ lệ ủng hộ khoảng 15-18%. Đảng này có quan điểm thân phương Tây, ủng hộ EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Giới phân tích đánh giá kết quả cuộc bầu cử và việc thành lập chính phủ mới ở Slovakia có thể tác động lớn tới chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Âu này, trong đó có quan hệ với Nga, EU, NATO và cách tiếp cận đối với cuộc chiến Ukraine.