Kinh tế

Hà Nội sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết

Lam Giang 29/09/2023 - 21:33

Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9 (Bộ Công Thương) diễn ra ngày 29-9, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố triển khai nhiều giải pháp bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Thế Hiệp, để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm, thành phố đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm của Tây Ninh vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, chuẩn bị nội dung ký kết cho sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội đầu tháng 10 này.

Ngoài việc kết nối đưa hàng hóa của các địa phương vào thành phố, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô; mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Song song với đó, sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố vào các điểm bán này.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn tổ chức theo dõi sát sao diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu. Tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm và kiểm tra việc hướng dẫn phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất và thương mại. Hỗ trợ tổ chức các hội chợ như Hội chợ quà tặng thủ công mỹ nghệ, hội chợ ngành công nghiệp chủ lực 2023, tăng cường kết nối giao thương, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các cơ quan khác…

Thông tin từ cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9 cũng cho biết, tháng 9, thị trường hàng hóa sôi động trong dịp khai giảng năm học mới, nhu cầu vật phẩm giáo dục tăng. Trong tháng 9 có Tết Trung thu, nguồn cung bánh Trung thu nhiều, đa dạng nhưng năm nay thị trường kém sôi động hơn các năm trước.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu khác không có biến động lớn, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, riêng mặt hàng xăng dầu giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.

9 tháng năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định. Riêng mặt hàng thóc gạo, giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu; giá thịt lợn tăng, giảm đan xen theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên, vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

Tăng trưởng bán lẻ khá tốt, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt 4.567.835 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.