Nông nghiệp - Nông thôn

Định vị, lan tỏa giá trị từ làng nghề Hà Nội

Minh Phú 29/09/2023 - 17:13

Hà Nội là địa phương chiếm vị trí số 1 cả nước về số lượng làng nghề và nghệ nhân. Có truyền thống lâu đời, làng nghề Hà Nội đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước.

Với tinh thần Hà Nội với cả nước, vì cả nước, thành phố cùng Bộ NN&PTNT chủ trì Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 (từ tháng 10 đến tháng 11), góp phần lan tỏa giá trị từ nghề truyền thống.

anh-lang-nghe-3.jpeg
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dẫn đầu cả nước về làng nghề, nghệ nhân

Làng nghề của Hà Nội có tính sáng tạo cao với sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như: Đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động… nổi tiếng khắp cả nước.

Về “tài nguyên” làng nghề Thủ đô, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận xét: Hà Nội là trung tâm văn hóa, trung tâm tinh hoa nghệ thuật của nghề truyền thống Việt Nam. Bởi vậy, Hà Nội không chỉ xứng đáng là Thủ đô văn hiến mà còn là “Thủ đô nghề” của cả nước.

Ông Thịnh dẫn chứng: Nghề ở Hà Nội có sự kết nối giữa nông thôn và thành thị. Ví như, nhắc tới phố Hàng Bạc là nhắc tới nghề chạm bạc. Tương truyền, nghề kim hoàn truyền thống trên phố Hàng Bạc ngày nay có lịch sử phát triển từ một làng nghề khác ở Bắc Bộ, đó là làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), vị quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê, được triều đình giao việc thành lập một xưởng đúc bạc nén ở kinh thành Thăng Long. Đầu thế kỷ 19, khi triều Nguyễn chuyển vào Huế mang theo cả xưởng đúc bạc nén. Bấy giờ, phần lớn thợ Châu Khê còn ở Thăng Long tiếp tục với nghề kim hoàn truyền thống, họ thành lập phường thợ tại phố Hàng Bạc ngày nay.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, với bề dày phát triển, các làng nghề ở Hà Nội đã làm ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa rất cao. Rất nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội được coi như “quốc bảo”. Có thể kể đến là những bức hoành phi câu đối bằng mây tre giang đan hiện được lưu giữ ở di tích lịch sử tại các tỉnh: Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế.

Không chỉ nổi tiếng trong lịch sử, ngày nay, nhiều làng nghề Hà Nội còn bắt nhịp tốt với kinh tế thị trường. Đối với các nghệ nhân, thợ giỏi, không ít người đã chuyển mình phù hợp khi thành lập doanh nghiệp, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhiều sản phẩm không chỉ bán trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài, như mây tre giang đan, gốm sứ, sơn mài, khảm trai. Đặc biệt, sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng hay làng cốm Mễ Trì… đã được công nhận là thương hiệu quốc gia. Làng nghề trở thành ngành kinh tế lớn…

anh-lang-nghe-2.jpeg
Nhiều làng nghề Hà Nội bắt nhịp tốt với kinh tế thị trường, người làng nghề đầu tư sản xuất bài bản, hiệu quả cao.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có hơn 800 làng nghề và làng có nghề, nhiều nhất cả nước. Các nghề của Hà Nội cũng rất đa dạng, chiếm 47/52 nghề truyền thống của Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương có số nghệ nhân được Nhà nước phong tặng nhiều nhất cả nước với hàng trăm người.

Lấy làng nghề Hà Nội làm trung tâm lan tỏa

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Đức Thịnh cho biết, bảo tồn và phát triển làng nghề cần có cách nhìn mới, tư duy mới. Ở đây không còn là những sản phẩm làng nghề mà là tác phẩm của nghệ nhân. Cần phải làm thế nào để ngày càng có nhiều nghệ nhân trẻ, tâm huyết, sáng tạo đối với sản phẩm làng nghề. Sản phẩm từ các làng nghề không chỉ dừng lại quảng bá ở Thủ đô, trong nước mà còn lan tỏa ra quốc tế.

Cũng theo ông Thịnh, lần đầu tiên, Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. “Sự kiện được tổ chức tại Hà Nội sẽ càng có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ với người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung mà còn tới đông đảo bạn bè quốc tế”, ông Thịnh nhận định.

anh-lang-nghe-1.jpeg
Nhiều nghệ nhân trẻ, tâm huyết, sáng tạo đối với nghề truyền thống. Trong ảnh: Nghệ nhân múa rối cạn ở Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức).

Là cơ quan thường trực, đầu mối của thành phố trong phối hợp các sở, ngành tham gia sự kiện này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cho biết: Hà Nội đã chọn 7 sự kiện tham gia Festival, đó là các sự kiện rất đặc sắc liên quan đến nhiều sở, ngành. Các sự kiện đều mang thông điệp của Hà Nội mong muốn hội tụ, lan tỏa, vì cả nước, gắn với cả nước…

Ví như sự kiện “Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ” được thành phố tổ chức tới đây, sẽ tập trung giới thiệu chính sản phẩm đến từ Nam Bộ và một số tỉnh khác.

Ngoài ra, theo ông Tường, làng nghề của Hà Nội và cả nước đang liên kết hỗ trợ nhau rất nhiều. Sản phẩm của các tỉnh về Thủ đô tiếp tục lan tỏa ra cả nước và xuất khẩu. Nhiều làng nghề Hà Nội như mây tre giang đan phối hợp với các tỉnh trong khai thác vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp gạo Bảo Minh của Hà Nội ký kết với 37 vùng trồng lúa gạo của cả nước để liên kết trồng, chế biến gạo…

Là một trong những nơi tổ chức sự kiện hưởng ứng Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) đang tích cực chuẩn bị. Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự cho biết, phường sẽ tổ chức Lễ rước Tổ nghề và Tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023, chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập”. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 29-10 đến 5-11, nhằm tôn vinh nghề truyền thống, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề, quảng bá sản phẩm, thu hút khách du lịch tới làng nghề tham quan, trải nghiệm...

Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang địa phương khác.

Festival còn tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề..., từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển du lịch trong các làng nghề...