Thế giới

Hơn 2.500 người di cư thiệt mạng và mất tích khi vượt Địa Trung Hải

Quỳnh Dương 29/09/2023 - 13:28

Đây là số liệu Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) cho biết trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an LHQ ngày 29-9.

untitled-2.jpg
Số người di cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu không ngừng tăng.

Theo bà Ruven Menikdiwela, Giám đốc Văn phòng UNHCR tại New York (Mỹ), số người di cư thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải tính từ đầu năm 2023 tới ngày 24-9 cao hơn nhiều so với năm 2022 (1.680 người thiệt mạng).

Trong số 186.000 người đã vượt qua Địa Trung Hải tới châu Âu năm nay, 83% - khoảng 130.000 người - đã đến Italia. Các quốc gia khác mà người di cư thường chọn làm điểm đến bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Síp và Malta.

“Không có hồi kết về số người thiệt mạng hoặc mất tích trên biển và trên các tuyến đường bộ tới châu Âu, vốn cũng nguy hiểm tương tự. Người di cư có nguy cơ tử vong và bị vi phạm nhân quyền trắng trợn ở mọi thời điểm”, quan chức UNHCR nhấn mạnh.

Bà Menikdiwela đồng thời cho biết, hành trình trên bộ từ các quốc gia châu Phi cận Sahara đến các điểm khởi hành vượt Địa Trung Hải trên bờ biển Tunisia và Libya “vẫn là một trong những hành trình nguy hiểm nhất thế giới”.

Hãng tin DW của Đức dẫn thống kê năm nay cho thấy, 102.000 người đã vượt Địa Trung Hải từ Tunisia và 45.000 người khác từ Libya. Khoảng 31.000 người đã được cứu trên biển hoặc bị chặn và đưa lên bờ ở Tunisia và 10.600 người ở Libya.

Số liệu của UNHCR đưa ra tương tự với số liệu do Văn phòng Di cư quốc tế (IOM) cung cấp. Ông Par Liljert, Giám đốc IOM cho biết: “Bất chấp những mối nguy hiểm rõ ràng, năm 2023, lượng người di cư vượt Địa Trung Hải đến Hy Lạp đã tăng hơn 300%. Số người di cư tới Italia tăng gần gấp đôi”.

Báo cáo UNHCR đưa ra đúng vào thời điểm các bộ trưởng nội vụ của Liên minh châu Âu gặp mặt tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo giải pháp đối với cuộc khủng hoảng người di cư trong bối cảnh các quốc gia thành viên như Italia, Đức ngày càng đối mặt với nhiều áp lực.

Được biết, các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu đã đàm phán trong nhiều năm về những cải cách sâu rộng đối với hệ thống tị nạn chung của khối nhưng không có kết quả.