Công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia với Tết Trung Thu ở Hội An
Hôm nay 28-9 (14 tháng Tám âm lịch), Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu (Tết Trung thu) ở Hội An chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao chứng nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tối 28-9, thành phố Hội An tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu.
Theo UBND thành phố Hội An, Tết Trung thu từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Hội An. Tết Trung thu còn được gọi là Tết thiếu nhi hay Tết đoàn viên bởi vào dịp này, các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cỗ Trung thu; cùng ngắm trăng, ăn bánh, thưởng trà và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện thường nhật, tạo nên một khung cảnh sum vầy ấm áp và tràn đầy tình yêu thương.
Tết Trung thu ở Hội An còn là nơi thể hiện các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, sự quan tâm gìn giữ của cả cộng đồng như múa Thiên Cẩu hiện vẫn còn duy trì tại Tết Trung thu ở Hội An. Đây là nét văn hóa đặc biệt cần được bảo tồn và phát huy trong quá trình Hội An xây dựng hồ sơ trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để tham gia ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Dịp này, Hội Tết Trung thu Hội An 2023 có nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn như: Hội thi múa Lân - múa Thiên Cẩu kết hợp chương trình văn nghệ “Đêm hội Trăng rằm”; tái hiện không gian “Đêm phố cổ” Hội An đầu thế kỷ XX với đời sống tinh thần đa dạng, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật thơ ca, trò chơi Bài chòi, hò khoan đối đáp, sinh hoạt văn hóa truyền thống…
Ngoài ra, Hội An còn tổ chức các lớp dạy hát dân ca, đồng dao; trò chơi dân gian trẻ em; hướng dẫn làm và trang trí đồ chơi Trung thu… nhằm tạo thêm các hoạt động tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống thú vị cho các em thiếu nhi và du khách ở phố cổ trong dịp này.