Bất động sản

Cá thể hóa trách nhiệm trong xác định giá đất

Tiến Thành 28/09/2023 - 18:42

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, khoa học và cá thể hóa trách nhiệm trong xác định giá đất.

Chiều 28-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

vuhongthanh(1).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.

Không định giá độc lập đối với giá đất

Báo cáo 13 vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, trên cơ sở tiếp tục rà soát, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất lựa chọn phương án quy định 5 chỉ tiêu sử dụng đất bao gồm: Đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất quốc phòng, đất an ninh.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, tránh trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Về cách thức quy định trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp trường hợp thu hồi đất.

Liên quan giá đất, đối với quy định tiền thuê đất trả hằng năm, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng không quá mức trần tỷ lệ điều chỉnh tăng quy định tại Luật (tổng CPI của giai đoạn trước đó).

quangcanh.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, về các phương pháp định giá đất, dự thảo Luật lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập; bổ sung trở lại phương pháp thặng dư. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là nội dung quan trọng, vì vậy cần có đề xuất chính thức của Chính phủ. Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá tính hợp lý về nội hàm và nguyên tắc áp dụng các phương pháp xác định giá đất, do đó đề nghị chỉ quy định tên phương pháp và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần quy định chỉnh sửa thời điểm công nhận đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Việc tiếp tục nới thời hạn này mỗi lần sửa đổi Luật Đất đai cho thấy quy định về thời hạn là chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, có thể có tác dụng ngược, dẫn tới giảm tính nghiêm minh của quy định pháp luật.

nguyenthithanh.jpg
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận.

Xác định cá thể hóa trách nhiệm khi xác định giá đất

Thảo luận về dự thảo Luật, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng: Dự thảo quy định 27 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng kèm quy định “điểm quét” bao quát thêm trường hợp có liên quan là quá chi tiết, không đáp ứng được sự thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị làm rõ một số trường hợp mới được bổ sung, đồng thời cho rằng, cần có quy định “điểm quét” và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cơ bản đồng tình với quy định tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó trong dự thảo Luật, ông Bùi Văn Cường cho rằng, cần giới hạn cụ thể tỷ lệ tăng thêm, bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hạn chế biến động lớn.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ chủ động xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung quan trọng, cốt lõi, báo cáo Quốc hội để có dự thảo tốt nhất, quán triệt đầy đủ và đúng đắn nhất chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đối với các vấn đề lớn còn phương án khác nhau, phải làm rõ ưu, nhược điểm, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và tác động của từng phương án.

tranhongha.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: Các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh là tiêu chí, cơ sở cho việc quy định các trường hợp thu hồi đất.

“Kế hoạch thực hiện quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi; bảo đảm đồng thuận, tiến bộ và công bằng xã hội. Nếu làm được những vấn đề này thì sẽ tháo gỡ được tất cả những vấn đề hiện hữu từ trước đến nay liên quan đến thu hồi đất”, đồng chí Trần Hồng Hà nói.

Đối với giá đất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, cần bảo đảm nguyên tắc, phương pháp tối ưu để bất kỳ đối tượng nào cũng có thể tự tính toán, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khoa học và xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan báo cáo Bộ Chính trị về những vấn đề lớn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu sắp tới.