Bất động sản

Nhiều yếu tố khiến bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chậm phục hồi

Dạ Khánh 28/09/2023 - 17:27

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan được ghi nhận có mức độ khôi phục thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tốt. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19.

binh-thuan-phan-thiet.jpg
Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chậm phục hồi.

Về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho rằng, trong ngắn hạn là sự thiếu vắng nguồn khách Trung Quốc, vốn chiếm 32% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 (lượng khách hiện chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019). Bên cạnh đó, tổng lượt khách châu Âu đến Việt Nam hiện cũng thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 38%.

Tương tự, trong 8 tháng năm 2023, thị trường khách châu Á thấp hơn mức trước đại dịch 32%. Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, song tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019. Thị trường khách châu Mỹ, châu Úc cũng thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 8%.

Bên cạnh việc chậm khôi phục nguồn cầu là tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo thống kê của Savills, kể từ năm 2016, trung bình có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung - cao cấp gia nhập thị trường lưu trú mỗi năm. Nguồn cung phòng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng 6 năm.

Tác động cộng hưởng của yếu tố cung - cầu khiến hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. 8 tháng năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%, trong khi đó, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50%, Singapore gần đạt mức 75%.

Để ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam cạnh tranh hiệu quả và bền vững hơn, ông Mauro Gasparotti cho rằng, ngoài việc gia tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 ngày, Việt Nam cần chú trọng hơn đến truyền thông sản phẩm du lịch.

Việc thiết lập các văn phòng đại diện để quảng bá hoạt động du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh gay gắt để thu hút khách quốc tế trở lại.

Ngành Du lịch cũng cần những chiến lược dài hơi hơn, chú trọng nâng cấp, làm mới các sản phẩm, bảo tồn các yếu tố văn hóa địa phương, nét đặc trưng cộng đồng, cũng như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tương ứng với tốc độ phát triển; hướng đến mô hình du lịch sinh thái, du lịch tái tạo, du lịch y tế và các sản phẩm dành cho du khách cao tuổi.