Thanh Oai có 12 mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Ngày 28-9, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông cho các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.
Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, sinh thái, thời gian qua, huyện Thanh Oai tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Thanh Oai có 12 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: Mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Kim Bài, diện tích 225m2; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở xã Dân Hòa 3,4ha; mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo chương trình VietGAP ở xã Hồng Dương, quy mô 30.000 con và xã Liên Châu có quy mô 30.000 con gà đẻ trứng, 10.000 con gà thịt…
Bên cạnh đó, huyện duy trì và phát triển 3 chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước); chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng); chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu).
Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất lúa 6.453ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300ha phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ…
Thời gian tới, Thanh Oai tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp; khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn…
Tại diễn đàn, các hộ nông dân, hợp tác xã được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh những câu hỏi cụ thể về xử lý sâu bệnh, kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…, không ít vấn đề liên quan đến định hướng sản xuất của nông nghiệp công nghệ cao được các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp cặn kẽ, dễ hiểu. Từ đó, giúp nông dân thêm kiến thức, thay đổi tư duy, phương thức sản xuất thích ứng điều kiện mới.