Phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong góp ý xây dựng Đảng, chính quyền
Sáng 28-9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khoá XI) về Quy định Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Dự hội nghị có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới. Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai…
Củng cố quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân
Báo cáo do Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng trình bày tại hội nghị cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò chủ trì trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của thành phố, thiết thực thể chế hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Với hình thức góp ý định kỳ, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã thực hiện góp ý bằng văn bản định kỳ mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp với tổng số 20.748 ý kiến.
Với hình thức góp ý thường xuyên, đã tham gia góp ý với tổ chức đảng 22.831 ý kiến thông qua hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc, tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và bằng văn bản góp ý với dự thảo kế hoạch chương trình công tác năm của cấp ủy cùng cấp gửi đầu nhiệm kỳ và hằng năm. Với hình thức góp ý đột xuất, đã góp ý 11.317 ý kiến đối với dự thảo văn bản chỉ đạo của cấp ủy các cấp trước khi được ban hành.
Liên đoàn lao động thành phố đã thực hiện góp ý 1.870 lượt ý kiến, hội nông dân đóng góp 4.950 ý kiến vào 865 dự thảo chương trình; các cấp hội phụ nữ đã đóng góp 8.020 ý kiến bằng văn bản với cấp ủy, tổ chức Đảng trước các kỳ kiểm điểm, 21.255 lượt góp ý thông qua tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, đảng viên…
Trong thời gian chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng các cấp với gần 138.000 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị các cấp.
Đa số kiến nghị, đề xuất, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và xử lý từ cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp...
Cùng với đó, việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân góp phần phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân Thủ đô; đặc biệt, đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh. Qua đó, phát hiện, điều chỉnh kịp thời các chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố bảo đảm phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội trước khi ban hành; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên, nhân dân và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước của các cấp chính quyền Thủ đô.
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ, Thành ủy Hà Nội cũng đúc rút 5 bài học kinh nghiệm. Trong đó, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, sự vào cuộc, chủ động mang tính nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội của thành phố… Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên; làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo tình hình để lựa chọn đúng và trúng vấn đề góp ý theo nhu cầu chính đáng của nhân dân và tình hình thực tiễn…
Chú trọng công tác nắm bắt dư luận nhân dân
Tại hội nghị, các tham luận đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ trong 10 năm qua; nhấn mạnh các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các đại biểu cũng thừa nhận rằng, công tác tuyên truyền về nội dung Quyết định số 218-QĐ/TƯ tại một số nơi còn chưa được coi trọng. Vì thế, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về nội dung Quyết định số 218-QĐ/TƯ chưa sâu sắc, một số đơn vị, địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong điểm lại kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TƯ với nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đời sống kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng được nâng cao; số hộ nghèo theo chuẩn chung của cả nước giảm mạnh.
Trong 10 năm qua, thành phố luôn nhận được sự hỗ trợ của Trung ương, mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Vì thế, để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cần sự thống nhất, đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức - chính trị và sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong biểu dương, ghi nhận những kết quả mà các đơn vị đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TƯ. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên.
Một trong những bài học kinh nghiệm của thành phố trong 10 năm qua là phải phát huy dân chủ trong Đảng, xã hội và phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết vướng mắc của nhân dân thông qua công tác tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đi sâu phân tích 4 nhóm nguyên nhân quan trọng giúp thành phố đạt được những kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TƯ.
Trong đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên. Đồng thời, chất lượng cũng như nội dung các hội nghị xin ý kiến phản biện ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn, điều đó cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn thành phố.
Từ kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm triển khai Quyết định 218-QĐ/TƯ, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, việc nắm bắt tình hình dư luận thực tế tại các địa phương phải thực chất, tuyệt đối không chủ quan và “bệnh thành tích” để kịp thời giải quyết triệt để những bức xúc, tồn tại ngay từ cơ sở, không để phát sinh những điểm nóng tại các địa phương.
Để góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong triển khai thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng vai trò của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hết sức quan trọng.
Cơ bản tán thành với các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo cũng như tham luận của các đại biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị cần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TƯ. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Đối với các đơn vị, địa phương của thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu phải rà soát lại các kiến nghị, góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt chú trọng kiểm tra sau thanh tra, kết luận xem địa phương thực hiện các kết luận ra sao.
Đối với các cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TƯ, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố”, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các quy định này.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ.
Các đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ.