Công nghệ

Quỹ Nafosted: “Bệ đỡ” nghiên cứu khoa học công nghệ

Thu Hằng 28/09/2023 - 08:17

Từ khi thành lập (năm 2008) đến nay, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted) đã tích cực hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Bộ Khoa học và Công nghệ luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để Quỹ Nafosted hoạt động nhằm khơi thông và phát huy mạnh mẽ nguồn tài nguyên tri thức của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam, qua đó đóng góp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho đất nước”.

t5-hdtt-khcn.jpg
Viện Tế bào gốc (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả các nghiên cứu

Tài trợ cho hơn 4.000 đề tài nghiên cứu

Với mong muốn được tài trợ, hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực và các nhiệm vụ khoa học đột xuất, tiềm năng lớn sử dụng ngân sách, năm 2008, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý ra đời.

GS.TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, khoa học Việt Nam vốn trì trệ trong thời gian dài của thời bao cấp đã được một “cú hích” mạnh với sự ra đời của Quỹ Nafosted. Với cơ chế tài chính mới thông thoáng, minh bạch, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là các công bố quốc tế chất lượng cao, được đánh giá khách quan, quỹ đã tập hợp được các chuyên gia xuất sắc nhất theo chuẩn mực quốc tế, cộng đồng rộng rãi các nhà chuyên môn, trong đó có các tiến sĩ trẻ mới đào tạo ở nước ngoài đang tràn đầy nhiệt huyết, tham gia nghiên cứu khoa học, thúc đẩy khoa học cơ bản của Việt Nam phát triển lên một mức mới trên trường quốc tế.

Hơn một thập kỷ qua, Quỹ Nafosted đã tài trợ cho hơn 4.000 đề tài nghiên cứu của 20.000 nhà khoa học và 300 tổ chức trên cả nước. Hoạt động này thúc đẩy phát triển lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản trình độ cao, các cán bộ nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản ở các nước phát triển về nước làm việc, đưa khoa học cơ bản của Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.

Sau 15 năm tồn tại với cơ chế tiên phong, Quỹ Nafosted đang đứng trước một yêu cầu mới. Các nhà khoa học chờ đợi có những đột phá về chính sách để vượt qua “bẫy chất lượng trung bình” của các công bố và sản phẩm nghiên cứu khác từ các đề tài, dự án do quỹ tài trợ.

Cần tiếp tục đổi mới

Theo Giám đốc cơ quan điều hành Quỹ Nafosted Phạm Đình Nguyên, vài năm trở lại đây, Quỹ Nafosted đã điều chỉnh lại danh mục tạp chí quốc tế uy tín, điều chỉnh tiêu chí nghiệm thu đề tài… Bên cạnh đó, Nafosted cũng bắt đầu triển khai một loạt chính sách về hỗ trợ nâng cao năng lực của nhà nghiên cứu trẻ, tài trợ cho postdoc, tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh… đi kèm với những yêu cầu cũng rất khắt khe. Đây được xem là động cơ mới cho các nhà khoa học Việt Nam nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Hiện Quỹ Nafosted đang bước vào một chặng đường mới: Chuyển đổi từ một quỹ hoạt động ngoài ngân sách sang quỹ trong ngân sách, nghĩa là thay vì cơ chế quỹ, Nafosted sẽ áp dụng cơ chế dự toán ngân sách với các quy định tài chính chặt chẽ hơn. Việc này đã tác động mạnh đến các nhà khoa học. Tính thông thoáng và linh hoạt vốn có của cơ chế quỹ có thể sẽ không còn. Mọi thứ đều phải lên kế hoạch từ trước, đề tài không được phép gia hạn…

Mặt khác, với ngân sách được cấp tối thiểu là 500 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2021-2025), trung bình một đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản được Quỹ Nafosted cấp kinh phí khoảng 950 triệu đồng, mức được cho là thấp. GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, quy mô tài trợ này, Quỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh, không khuyến khích được việc làm khoa học.

“Hiện nay, đề tài cấp tỉnh cũng có kinh phí thực hiện rơi vào khoảng một đến vài tỷ. Tuy kinh phí không cao nhưng các đề tài Nafosted lại có yêu cầu rất cao về công bố trên tạp chí uy tín, kể cả sản phẩm đào tạo. Nếu chúng ta không đầu tư trọng điểm thì dần dần sẽ mất đi ý nghĩa của chương trình”, GS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện có nhiều tổ chức sẵn sàng hỗ trợ giúp đẩy mạnh quy mô tài trợ cho nghiên cứu khoa học và đề nghị Quỹ Nafosted xây dựng nguồn quỹ tài trợ từ xã hội, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước. Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế vận hành nguồn quỹ này, có thể theo mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm (venture fund).

Bộ trưởng yêu cầu Quỹ Nafosted cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng kết quả các đề tài nghiên cứu cơ bản được quỹ tài trợ; ưu tiên các đề tài có tính đột phá, đẩy mạnh hoạt động tài trợ, hỗ trợ đối với các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, công nghệ trình độ cao trong các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị Quỹ Nafosted nhanh chóng đề xuất sửa đổi các quy định quản lý chương trình nghiên cứu cơ bản phù hợp với đặc thù và theo thông lệ quốc tế. Việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm tính thời sự của hồ sơ đề xuất, chấp nhận độ trễ và tính rủi ro đối với kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh khoán chi, chuyển dần từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm.