Công nghệ

Dừng công nghệ 2G và những vấn đề đặt ra

Việt Nga 28/09/2023 06:51

Đến tháng 9-2024, giấy phép tần số cấp cho doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 2G sẽ hết hạn và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không cấp phép lại, mà quy hoạch tần số này cho phát triển công nghệ mới hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức dừng công nghệ 2G vào tháng 9-2024. Việc dừng công nghệ cũ sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các thuê bao di động đang dùng điện thoại 2G và cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng đã triển khai các phương án cho việc tắt sóng 2G ra sao?

ky-su-tong-cong-ty-vien-tho.jpg
Kỹ sư Viettel kiểm tra, bảo dưỡng trạm thu phát sóng tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đức Thọ

Còn bao nhiêu thuê bao dùng máy 2G?

Dừng công nghệ 2G đã, đang được nhiều quốc gia triển khai để giải phóng tần số dành cho công nghệ mới hơn, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tại Việt Nam, mặc dù không tuyên bố chính thức về thời điểm tắt sóng 2G, song Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, giấy phép cấp tần số cho các nhà mạng triển khai dịch vụ 2G sẽ hết hạn vào tháng 9-2024.

Thông tin về tắt sóng 2G cũng đã được cơ quan quản lý nhà nước nhiều lần đề cập. Song điều được dư luận quan tâm nhất hiện nay là các thuê bao đang dùng 2G, trong đó phần nhiều là người lớn tuổi, người yếu thế trong xã hội, sẽ tiếp tục dùng dịch vụ di động như thế nào sau khi tắt sóng 2G?

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, MobiFone còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G (trong đó có hơn 1,6 triệu thuê bao 2G có phát sinh cước).

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông tin, mạng VinaPhone có 4 triệu thuê bao 2G, chiếm 15% tổng số thuê bao. Theo xu hướng giảm dần, dự kiến tới tháng 9-2024 sẽ còn dưới 10% thuê bao VinaPhone dùng 2G.

Còn theo đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Viettel), hiện trên 15% thuê bao Viettel dùng máy điện thoại 2G, hơn 10% khách hàng sử dụng điện thoại thông minh chưa hỗ trợ người dùng nghe, gọi trên hạ tầng 4G.

Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến hết tháng 6-2023, cả nước có hơn 126,5 triệu thuê bao có phát sinh lưu lượng. Trong số này khoảng 41 triệu thuê bao chỉ sử dụng thoại, tin nhắn; khoảng 85,5 triệu thuê bao có sử dụng dữ liệu (data). Như vậy, vẫn còn 41 triệu thuê bao chỉ sử dụng dịch vụ 2G. Tất nhiên trong số 41 triệu thuê bao này, sẽ có không ít thuê bao dùng điện thoại thông minh nhưng không dùng data và cũng có một số lượng nhất định là thuê bao dùng sim cho thiết bị khác.

Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn VNPT Nguyễn Như Thông cho rằng, việc tắt sóng 2G sẽ giúp nhà mạng tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời tạo ra khả năng triển khai 5G. Tuy nhiên, thách thức chính vẫn là phía người dân, đặc biệt người dân vùng khó khăn. Nhà mạng khi tắt sóng 2G cũng sẽ phải bỏ thêm chi phí để bù vùng phủ sóng bị hụt.

Phân tích về việc chuyển đổi thuê bao 2G, đại diện MobiFone cũng cho hay, từ đầu năm 2023 nhà mạng này đã có chính sách hỗ trợ khách hàng với các gói cước ưu đãi data, thoại dành cho khách hàng mua điện thoại thông minh, nhưng số lượng bán chậm. Nguyên nhân là hầu hết người dùng chưa biết kế hoạch tắt sóng 2G, thêm nữa phần nhiều người dùng điện thoại 2G là người lớn tuổi, chỉ có nhu cầu nghe, gọi, chưa kể kinh tế khó khăn khiến người dân hạn chế chi tiêu.

Chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G

Đồng quan điểm với MobiFone, Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn VNPT Nguyễn Như Thông đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hỗ trợ nhà mạng truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, từ đó khách hàng biết và có lộ trình thay dần thiết bị. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần triển khai hiệu quả quy định cấm nhập khẩu máy điện thoại 2G, loại bỏ máy nhập lậu, máy 2G gắn mác 4G.

Đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng tiếp tục duy trì sóng cho các máy 4G nhưng chưa có tính năng thoại VoLTE (thoại trên mạng 4G) đến năm 2026 để thị trường, người dân có thời gian chuyển đổi hoàn toàn. VNPT sẽ áp dụng hai chính sách hỗ trợ (trợ giá) bằng tiền khi thay thiết bị đầu cuối đối với khách hàng sử dụng máy 2G chuyển sang 4G và xây dựng các gói phù hợp cho khách hàng chuyển từ 2G sang 4G.

“Cái được lớn nhất khi chuyển đổi là đáp ứng các mục tiêu quốc gia về kiến tạo hạ tầng số”, ông Nguyễn Như Thông nêu.

Đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel cũng cho hay, bên cạnh vùng phủ sóng 4G đã được đầu tư rộng khắp, Viettel đang triển khai những chính sách ưu đãi gói cước cho khách hàng mua kèm máy 4G nhằm giúp người dân có cơ hội tiếp cận với 4G tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ cùng các nhà mạng đã xây dựng chính sách, trong đó có việc hỗ trợ máy đầu cuối hoặc cước thuê bao để khách hàng chuyển đổi. Đáng chú ý, từ ngày 1-7-2020, Bộ đã ra quy định cấm nhập khẩu máy 2G. Tuy nhiên, vẫn tồn tại máy 2G nhập khẩu tiểu ngạch, nên Bộ đã cùng các địa phương kiểm tra tình hình kinh doanh máy 2G trên thị trường.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, sau thời điểm tháng 9-2024, sóng 2G vẫn sẽ được duy trì thêm một thời gian, không phải để phục vụ cho máy 2G mà phục vụ cho một số máy 4G (hiện có khoảng 15 triệu máy 4G không thể sử dụng thoại chất lượng cao VoLTE, tin nhắn trên mạng 4G, phải dùng mạng 2G, 3G).

“Tắt sóng 2G là nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Việc tắt sóng 2G thực hiện theo nguyên tắc nhà mạng không được để người sử dụng mất liên lạc”, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.