Quốc hội Triều Tiên sửa Hiến pháp để xây dựng chính sách hạt nhân
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Quốc hội nước này đã thông qua sửa đổi hiến pháp để xây dựng chính sách về lực lượng hạt nhân.
Theo KCNA, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (Quốc hội) đã nhất trí thông qua “chương trình nghị sự quan trọng nhằm xây dựng chính sách của CHDCND Triều Tiên về lực lượng hạt nhân như một bộ luật cơ bản của nhà nước (Hiến pháp)”.
Phát biểu tại Quốc hội, khi đề cập đến nội dung trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: “Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đã được xác định lâu dài trong vai trò là luật cơ bản của quốc gia, mà không ai được phép bôi nhọ bằng cứ giá nào. Đây là sự kiện lịch sử, mang đến đòn bẩy chính trị mạnh mẽ để củng cố đáng kể năng lực quốc phòng”.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng chỉ trích hợp tác an ninh 3 bên Hàn - Mỹ - Nhật đặt ra “mối đe dọa thực sự nghiêm trọng nhất”. Theo ông, tiến trình hình thành “liên minh quân sự 3 bên” giữa Seoul, Washington và Tokyo “cuối cùng sẽ dẫn tới sự trỗi dậy của ‘NATO phiên bản châu Á’, nguyên nhân gốc rễ gây ra chiến tranh và xâm lược.
Tại cuộc họp Quốc hội vào tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên đã ban hành luật hạt nhân mới cho phép đánh đòn phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, cho rằng vị thế quốc gia hạt nhân của nước này là “không thể đảo ngược”.
Triều Tiên thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch vào năm 2017, trước khi tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân để theo đuổi đàm phán với Mỹ. Quốc gia Đông Á này khẳng định kho vũ khí của họ chỉ dành cho mục đích bảo vệ an ninh quốc gia vì Hàn Quốc và Mỹ đã từ chối ký hiệp ước hòa bình kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950.
Các bên đã ký lệnh ngừng bắn để chấm dứt giao tranh vào năm 1953 và lập nên một khu vực phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền liên Triều tồn tại cho đến ngày nay.