Carnaval thu Hà Nội sẽ trình diễn chiêng Mường và múa rồng
Hơn 1.500 người đến từ các quận, huyện Hà Nội sẽ tham gia diễu hành Carnaval trong khuôn khổ Lễ hội thu Hà Nội vào sáng 1-10. Trong đó, rất nhiều hoạt động biểu diễn đường phố, giới thiệu văn hóa truyền thống của các địa phương như chiêng Mường, múa lân - sư - rồng... hứa hẹn sẽ mang đến nhiều màu sắc hấp dẫn cho sự kiện.
Ngày 27-9, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, các hoạt động cho Lễ hội thu Hà Nội diễn ra từ ngày 29-9 đến 1-10 đã sẵn sàng. Một trong những điểm nhấn là hoạt động diễu hành carnaval đường phố tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Đây cũng là carnaval lớn của thành phố nhằm quảng bá du lịch Thủ đô, thu hút du khách.
Theo Ban tổ chức, carnaval có quy mô 1.500 người từ các đơn vị của thành phố, học sinh, sinh viên, Thành đoàn, các câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật, nghệ nhân.
Carnaval sẽ gồm 4 phần: Rạng rỡ sắc thu - miêu tả những màu sắc của mùa thu Hà Nội từ doanh nghiệp cho đến các làng nghề; biểu diễn nghệ thuật đường phố với sự tham gia của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội, điểm nhấn là chiêng Mường đến từ các xã của huyện Quốc Oai; múa lân - sư - rồng của huyện Thanh Oai.
Bên cạnh đó, trong carnaval còn có diễu hành áo dài, xích lô, xe hoa... mang đến không gian đầy màu sắc, tươi vui nhưng cũng vô cùng lãng mạn của thu Hà Nội.
Trong khuôn khổ hoạt động carnaval còn có sự kiện vẽ tranh “Hà Nội trong mắt em” với sự tham gia của 99 bạn trẻ và các hoạt động âm nhạc đường phố.
Chuẩn bị cho hoạt động biểu diễn chiêng Mường tại carnaval lần này, huyện Quốc Oai đã tập huấn cho 50 bà con dân tộc Mường đang sinh sống ở các xã Đông Xuân, Phú Mãn.
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Hợi cho biết, chiêng Mường là nét đặc trưng văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Mường. Hiện nay, đồng bào Mường đang nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, trong đó biểu diễn chiêng Mường đang được khôi phục nhanh chóng.
Ngoài biểu diễn chiêng Mường, huyện Quốc Oai cũng có đoàn nghệ thuật là các nghệ sĩ, người dân của vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” tham gia diễu hành để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện.
Trong khi đó huyện Thanh Oai cũng đã sẵn sàng hoạt động biểu diễn lân - sư - rồng cho hoạt động diễu hành. Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, huyện đã chuẩn bị đoàn múa lân - sư - rồng với 30 con rồng mang ý nghĩa đại diện cho 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Festival thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thu Hà Nội - Đến để yêu” sẽ chính thức khai mạc vào tối 29-9 tại khu vực đền Bà Kiệu với chương trình nghệ thuật độc đáo. Những hoạt động chính trong lễ hội, gồm: Hội nghị phát triển du lịch MICE & Golf và khảo sát du lịch Golf tại Hà Nội; trưng bày ảnh thu Hà Nội tại Trung tâm Nghệ thuật 22 Hàng Buồm và tại Vườn hoa Lý Thái Tổ; trình diễn “Trang phục áo dài đám cưới theo dòng thời gian”; trải nghiệm không gian cốm Hà Nội, di sản nghề may áo dài Trạch Xá; Carnaval thu Hà Nội với sự tham gia của 1.500 người vào sáng 1-10…