Kinh tế

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 27/09/2023 - 14:35

Ngày 27-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp tăng trưởng có chậm lại do nhu cầu bên ngoài suy yếu.

hnmo_adb_092023.jpg
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9-2023 do ADB công bố trong họp báo sáng 27-9 tại Hà Nội, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4 năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Cụ thể, nhu cầu giảm mạnh được ghi nhận tại hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 20,6%, Liên minh châu Âu giảm 9,7% và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 6,8%.

Các lô hàng điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử - chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu - đã giảm 15%. Xuất khẩu máy móc và thiết bị - chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu - giảm 10%.

Báo cáo lưu ý rằng những yếu tố chính tác động tới nền kinh tế bao gồm tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và sự gián đoạn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Các dự báo về lạm phát được điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023 và từ 4,2% xuống còn 4% cho năm 2024.

Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho rằng, môi trường bên ngoài yếu kém, gồm cả sự phục hồi chậm tại Trung Quốc, đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. “Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại”, chuyên gia Shantanu Chakraborty khẳng định.

Cũng theo báo cáo, trong khi sản xuất công nghiệp của Việt Nam bị thu hẹp do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nông nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh những rủi ro đáng kể đối với triển vọng này. Ở trong nước, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng.

Bên ngoài, tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể và sự phục hồi yếu ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ đối với triển vọng kinh tế. Ngoài ra, lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn cũng được đánh giá có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài và dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng.