Hà Nội: Khẩn trương thu hoạch lúa mùa, triển khai vụ đông
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày qua, nông dân Hà Nội đang xuống đồng thu hoạch trà lúa mùa sớm với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng". Ngay sau khi thu hoạch, các địa phương chủ động phương tiện làm đất để sẵn sàng gieo trồng vụ đông 2023-2024...
Đã thu hoạch khoảng 60% diện tích
Vụ mùa năm nay, bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) trồng 5 sào lúa. Mặc dù thời tiết diễn biến bất thường, xuất hiện nhiều sâu bệnh nhưng do chủ động thường xuyên thăm đồng, chăm sóc đúng hướng dẫn, lúa của gia đình bà Thảo phát triển tốt. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín, dự kiến năng suất đạt khoảng 59-60 tạ/ha.
Vụ mùa 2023, toàn huyện Thạch Thất gieo trồng 4.332,16ha, trong đó diện tích lúa là 3.425,8ha. Đến nay, Thạch Thất đã thu hoạch được 884,5ha lúa, đạt 25,82%, tập trung chủ yếu ở các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Bình Yên, Hạ Bằng, Phùng Xá...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan đề nghị các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn chỉ đạo, vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra...
Đánh giá tiến độ thu hoạch vụ mùa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, lúa mùa đang chín rộ, nông dân cần tập trung nhân lực, phương tiện thu hoạch diện tích lúa đã chín.
Vụ mùa 2023, toàn thành phố gieo cấy hơn 72.678,7ha lúa, đạt 100,4% so kế hoạch. Đến ngày 26-9, diện tích thu hoạch toàn thành phố là 42.794,2ha, đạt 58,9% diện tích gieo trồng. Dự kiến đến hết tháng 9, cơ bản thu hoạch xong lúa vụ mùa trà sớm, năng suất khoảng 60 tạ/ha. Bên cạnh đó, một số diện tích trà muộn, như: Nếp hoa vàng, Bao thai đang giai đoạn làm đòng, khoảng 2.000ha lúa nếp cái hoa vàng sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
“Để bảo đảm vụ mùa thắng lợi, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa chín tránh ảnh hưởng mưa lớn; chủ động phòng chống ngập úng, thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất sau mưa, úng cho cây trồng. Đối với lúa trà muộn, khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình gây hại của sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá, đặc biệt là diện tích lúa nếp cái hoa vàng... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả”, bà Hằng nhấn mạnh.
Chủ động sản xuất vụ đông
Sau khi thu hoạch lúa mùa, Hà Nội xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, góp phần tăng trưởng của toàn ngành. Các hộ dân, hợp tác xã đang triển khai gieo trồng cây vụ đông theo khung thời vụ để bảo đảm nguồn cung nông sản cuối năm.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, nông dân trên địa bàn tranh thủ thời tiết thuận lợi đã xuống giống rau vụ đông với 250ha. Dự kiến vào tháng 11, 12, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường 80-100 tấn rau, củ, quả các loại.
Tại Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản cho biết, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông toàn huyện năm nay là 1.093ha. Để bảo đảm trồng cây vụ đông đạt kế hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện hỗ trợ 50% giá giống đối với cây ngô, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, khoai tây cho mô hình cây vụ đông trồng trên đất 2 lúa; hỗ trợ chế phẩm sinh học trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại cho rau, tối đa không quá 14 triệu đồng/ha/năm...
Về tổng diện tích cây vụ đông 2023-2024, toàn thành phố gieo trồng 28.512,4ha. Các địa phương chủ động thu hoạch lúa mùa kết hợp gieo trồng cây vụ đông. Đến nay, diện tích rau màu là 4.754,8ha, đạt 16,7% so kế hoạch, trong đó: Ngô 626,9ha (đạt 10,0% kế hoạch); lạc 13,7ha (đạt 5,5% kế hoạch); đậu tương 69ha (đạt 7,1% kế hoạch); rau 2.903,6ha (đạt 22,5% kế hoạch); cây hoa 330,3ha (đạt 12,0% kế hoạch); cây khác 811,3ha (đạt 17,7% kế hoạch)...
Để vụ đông thắng lợi, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các địa phương cần triển khai gieo trồng đúng thời vụ, bảo đảm kế hoạch diện tích; rà soát, mở rộng diện tích trên đất 2 lúa, đất bãi ngoài đê, chân đất chuyên canh cây rau, chủ động ưu tiên gieo trồng cây ưa ấm (ngô, đậu tương, lạc, bầu, bí, khoai lang...); khuyến khích người dân sử dụng giống chất lượng cao, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của từng giống, gieo trồng đúng thời vụ, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo điều tiết nước bảo đảm độ ẩm của đất, rút nước phù hợp để sau khi thu hoạch lúa mùa có thể trồng ngay cây vụ đông. Đối với diện tích không chủ động tiêu thoát nước, cần chỉ đạo bơm tiêu nước sớm, chủ động tiêu úng kịp thời, nhất là giai đoạn cuối tháng 9 - đầu tháng 10 khi cây vụ đông bắt đầu gieo trồng.
Nông dân cần chăm sóc tốt rau màu và cây trồng khác; bón thúc, vun xới, tưới tiêu phù hợp để cây trồng sinh trưởng thuận lợi, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn môi trường sinh thái. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn để bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, vật tư phục vụ sản xuất vụ đông...