Công nghệ

Đề xuất có bộ luật về tài nguyên nước, thay vì luật chuyên ngành

Thu Hằng 27/09/2023 12:50

Ngày 27-9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”.

hoihao.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ: Luật Tài nguyên nước ban hành lần đầu tiên năm 1988, đến năm 2012, đã tiến hành sửa đổi lần thứ nhất. Việc lấy ý kiến lần này nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, cách quản lý mới với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.

Cục trưởng Cục Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh cho biết, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 86 điều và 10 chương (tăng 7 điều), trong đó, tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua là: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Đối chiếu với Dự thảo Luật tháng 3-2023, Dự thảo Luật tháng 9-2023 đã qua 9 lần chỉnh sửa, tiếp thu, bổ sung những điểm mới căn bản như: Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công vụ kinh tế; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành.

5 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Thủy lợi, Tổng hội Địa chất, Hội kinh tế môi trường, Hội Nước sạch và môi trường; Viện Hợp tác và Phát triển tài nguyên nước đã đi vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

8-2-(2).jpg
GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam phát biểu.

Đáng chú ý, theo GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, trước tác động của biến đổi khí hậu, tác động từ thượng nguồn, từ quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã đặt ra nhiều thách thức đối với lĩnh vực quản lý nguồn nước. Bởi vậy, việc hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm tính nhất quán và toàn diện trong quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai là cần thiết.

Tuy nhiên, luật lại do các Bộ chủ trì soạn thảo nên vẫn mang nặng tư tưởng bảo vệ chức năng và quyền lực của Bộ mình. Vì vậy, dẫn đến việc chồng chéo và đùn đẩy, tạo khoảng trống chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

GS.TS Đào Xuân Học đề nghị, nên quy về một mối công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Điều này sẽ giảm khoảng gần 400 biên chế ở cấp Bộ, giảm cấp kinh phí hai lần cho quy hoạch tài nguyên nước và thủy lợi.

“Hiện nay, chúng ta đang có Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên nước, Pháp lệnh khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và nhiều nghị định khác liên quan đến quản lý nước và thiên tai. Những luật này hiện đang chồng chéo khá nhiều. Chúng tôi đề nghị nên dành thời gian rà soát lại, rồi hình thành một bộ luật về nước. Các luật này tốt nhất do một tổ chủ trì soạn thảo, được thành lập từ các đại biểu Quốc hội với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, việc phân giao nhiệm vụ quản lý sẽ do Chính phủ quyết định...”, GS.TS Đào Xuân Học nhấn mạnh.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, Liên hiệp Hội sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.