Điểm nóng

Hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran: Xóa bỏ “điểm nóng” địa chính trị

Hoàng Linh 27/09/2023 - 07:38

Sau một thời gian triền miên trong không khí căng thẳng, thậm chí có lúc nằm bên bờ vực sụp đổ, thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã có tín hiệu hồi sinh.

Cụ thể là Iran và các bên liên quan liên tục có những động thái hướng đến việc tháo gỡ nút thắt, tìm cách giải quyết một trong những “điểm nóng” địa chính trị nguy hiểm của thế giới.

thoa-thuan-hat-nhan-iran.jpg
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (bên trái) gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bên lề kỳ họp khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bên lề kỳ họp khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nêu rõ: “Nếu các bên khác sẵn sàng, Tehran sẽ nghiêm túc quay trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để tất cả các bên thực hiện nghĩa vụ của mình”.

Cũng trong cuộc gặp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao các sáng kiến của Iran nhằm góp phần giải quyết các vấn đề, xóa những rào cản và phát triển mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới.

Đề cập đến các hoạt động hạt nhân hòa bình của Iran, ông Amir-Abdollahian khẳng định, bom nguyên tử không có chỗ đứng trong học thuyết quốc phòng của Tehran và “bất cứ khi nào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hoạt động trong khuôn khổ kỹ thuật, mọi thứ sẽ đi đúng hướng”.

Quan điểm rõ ràng của người đứng đầu ngành Ngoại giao Iran trước nhà lãnh đạo Liên hợp quốc là một trong những tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy cơ hội trở lại của JCPOA. Iran ký JCPOA với Nhóm P5+1 (gồm năm nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) vào tháng 7-2015.

Theo đó, Tehran nhất trí hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5-2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran.

Động thái này khiến Tehran quyết định từ bỏ một số cam kết hạt nhân theo JCPOA. Tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận được khởi động hồi tháng 4-2021 tại thủ đô Vienna (Áo) và vòng đàm phán gần nhất kết thúc vào tháng 8-2022 hầu như không đạt được đột phá. Sau gần một năm với những diễn biến không mấy êm đẹp, đặc biệt là giữa Iran và Mỹ, tình hình bắt đầu có thay đổi.

Trong một số phát ngôn đưa ra gần đây, Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian thường xuyên đánh giá cao thỏa thuận trao đổi 10 tù nhân giữa Iran và Mỹ, cũng như quyết định của Washington về việc giải phóng 6 tỷ USD của Tehran bị phong tỏa ở Hàn Quốc từ năm 2018.

Ngày 18-9 vừa qua, Iran và Mỹ đã tiến hành trao đổi tù nhân với sự trung gian của Qatar. Ngoài ra, Qatar cũng là trung gian dỡ phong tỏa 6 tỷ USD cho Iran, thông qua việc bảo đảm số tiền này được sử dụng vì mục đích nhân đạo. Cùng với đó, hoạt động trao đổi thông tin gián tiếp giữa Iran và Mỹ thông qua sự trung gian của Oman cũng được xác nhận vẫn tiếp diễn.

Không chỉ các bên có lợi ích sát sườn, mà triển vọng của JCPOA còn nhận được sự quan tâm lớn từ quốc tế. Ngày 25-9, Iran cho biết, Nhật Bản đã nêu sáng kiến riêng nhằm tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, khẳng định Tehran đánh giá cao "vai trò mang tính xây dựng" của Tokyo, nhưng không hé lộ chi tiết.

Trước đó, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cũng nhiều lần hoan nghênh vai trò trung gian của Oman trong đàm phán Iran - Mỹ. Về phần mình, châu Âu cũng có những động thái đóng góp vào nỗ lực chung. Tháng 6-2023, Tehran thông báo đã tiến hành các cuộc thảo luận “nghiêm túc và rõ ràng” với châu Âu về khôi phục JCPOA và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này.

Có thể thấy, sau một thời gian dài căng thẳng, JCPOA đã hội tụ khá nhiều yếu tố chủ quan và khách quan để đứng trước cơ hội phục hồi. Dù vậy, giới quan sát cho rằng, vẫn có những rào cản đối với tiến trình khôi phục JCPOA và đường hướng tiếp theo cho bài toán hạt nhân Iran.

Dễ thấy nhất là việc Mỹ không còn là thành viên của JCPOA, đồng nghĩa mọi đàm phán phải qua trung gian. Trong khi đó, Tehran vẫn tỏ ra căng thẳng về “những yêu cầu quá mức” của phương Tây, đồng thời thường xuyên chỉ trích các nước này can thiệp vào nội bộ Iran. Bản thân Tehran cũng tiếp tục làm giàu uranium ở độ tinh khiết 60%, cao gấp nhiều lần mức 3,67% mà JCPOA cho phép, coi đây là một biện pháp trả đũa.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng giờ là lúc các bên liên quan cần tiếp tục nỗ lực trong việc kiềm chế, hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời có động thái quyết liệt hơn nhằm mở đường cho các hoạt động đàm phán, qua đó tìm cách tháo gỡ bế tắc, xóa bỏ một trong những “điểm nóng” chính trị của thế giới và đóng góp vào sự ổn định của khu vực.