Công ty tài chính hết thời “hoàng kim”?
Không còn ở thời kỳ “hoàng kim”, các công ty tài chính tiêu dùng đang phải đối mặt với sự suy giảm sau tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Thay cho lãi "khủng", nhiều công ty tài chính rơi vào thua lỗ. Do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, dự kiến các công ty tài chính khó phục hồi ngay trong năm 2023 và đầu năm 2024.
Giảm lợi nhuận
Theo báo cáo mới nhất của các công ty tài chính, nhiều công ty đang rơi vào tình trạng thua lỗ. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Tài chính Tín Việt (VietCredit) lỗ 73,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 42,5 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay của VietCredit chỉ đạt 594,6 tỷ đồng, thay vì 700 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FE Credit) ghi nhận khoản lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng, vượt xa tổng lỗ sau thuế cả năm 2022 là 2.376 tỷ đồng. Trước đây, FE Credit lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đỉnh điểm có năm lãi trên 4.000 tỷ đồng.
May mắn hơn, một số công ty tài chính không bị lỗ, nhưng mức lợi nhuận thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) vừa công bố đạt lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 là 328 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Hay Công ty Tài chính TNHH HD Saison với 15 năm hoạt động trong ngành tài chính tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với 6 tháng đầu năm 2022. Home Credit Việt Nam cũng công bố lợi nhuận sau thuế chỉ dừng ở mức 211,5 tỷ đồng. Trước đó, lợi nhuận của cả năm 2022 của công ty này là 1.189 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng thương mại dư thừa, lãi suất thấp, điều kiện vay thuận lợi, kết quả kinh doanh của các công ty tài chính thấp là điều dễ hiểu. Ngoài ra, tình hình kinh doanh của các công ty tài chính bị ảnh hưởng một phần từ nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm dần khi phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của thời kỳ hậu Covid-19. Nợ xấu tăng cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của các công ty tài chính.
Đại diện các công ty tài chính cho biết, ngoài nguyên nhân đến từ yếu tố khách quan, bản thân các công ty tài chính cũng e dè trong việc cho vay. Bởi đối tượng phục vụ chủ yếu là khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, đa số là tín chấp. Nếu người vay rơi vào hoàn cảnh không được bảo đảm tốt về nguồn thu nhập, công ty tài chính sẽ gặp rủi ro.
Khó phục hồi trong ngắn hạn
Câu hỏi được đặt ra là liệu từ nay đến cuối năm 2023, tình hình hoạt động của các công ty tài chính có sáng hơn? Hầu hết các ý kiến đều dự báo, công ty tài chính khó phục hồi tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Lý do là bởi cầu tín dụng tiêu dùng duy trì ở mức thấp sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty tài chính.
Tuy nhiên, phía các công ty tài chính lại có dự báo lạc quan khi cho rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ có cơ hội hồi phục khi mức tăng trưởng chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cuối tháng 7 và tháng 8 đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Với đà giá hàng hóa giảm, tiêu dùng tăng, sản xuất, kinh doanh sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt. Thêm vào đó, các doanh nghiệp đang tuyển dụng lớn, việc làm đang nhiều sẽ kích thích cầu tiêu dùng tăng lên. Đây là cơ hội để tín dụng tiêu dùng tăng trưởng.
Đại diện Công ty Tài chính TNHH HD Saison nhận định, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ có sự xoay chiều tích cực trong những tháng cuối năm 2023, do sức mua bắt đầu tăng trở lại từ tháng 9. Nếu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng, công ty tài chính sẽ có cơ hội tăng trưởng. Ngoài ra, hoạt động thu hồi nợ đã thuận lợi hơn so với thời điểm những tháng cuối năm 2022 cũng là một thông tin lạc quan cho các công ty tài chính; đồng thời cho thấy thu nhập của người dân đã được cải thiện.
Để hoạt động của các công ty tài chính được cải thiện hơn, ngoài việc kích cầu tiêu dùng, theo đại diện HD Saison, cần có quy định trích lập dự phòng đặc thù đối với các công ty tài chính trong bối cảnh người lao động chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn như hiện nay.
Mặt khác, nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được công ty tài chính tiêu dùng chính thống với các công ty tài chính tiêu dùng không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, dẫn đến người dân đánh đồng và chây ỳ không trả nợ, khiến việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các hình thức "tín dụng đen" vẫn hoạt động tràn lan trên internet (thống kê sơ bộ có hơn 160 app cho vay kiểu "tín dụng đen", trong khi chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép), gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính chính thống…
Các công ty tài chính cho rằng, cần có những chế tài nghiêm khắc hơn trong xử lý công ty tài chính không chính thống để công ty tài chính có tư cách pháp nhân theo quy định có thể hoạt động lành mạnh, hiệu quả.