Nghị quyết và Cuộc sống

Ươm mầm “hạt giống đỏ”: Từ chủ trương mới đến cách làm sáng tạo Bài 3: Nảy sinh những khó khăn, bất cập

Đình Hiệp - Hồng Hạnh 27/09/2023 - 06:27

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, công tác phát triển Đảng trong học sinh trung học phổ thông gặp một số khó khăn, bất cập từ thực tiễn triển khai Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24-10-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”.

Một số nội dung hoạt động của tổ chức Đoàn còn rập khuôn nên chưa thu hút được học sinh tham gia, ảnh hưởng đến công tác tạo nguồn kết nạp Đảng. Trong khi đó, tỷ lệ phát triển Đảng trong học sinh còn thấp so với nguồn bồi dưỡng để giới thiệu kết nạp, chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng của các trường. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

hat-giong-do.jpg
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới do Trung tâm Chính trị quận Tây Hồ tổ chức.

Từ khó khăn trong tạo nguồn, bồi dưỡng…

Theo số liệu mới nhất của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đến nay cả thành phố mới có 19/30 đảng bộ quận, huyện, thị xã có học sinh trung học phổ thông được kết nạp Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU. Từ thực tiễn triển khai thời gian qua, thầy Đàm Tiến Nam, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) cho biết, công tác phát triển Đảng trong học sinh trung học phổ thông dù được đề cập, nhưng việc triển khai chưa đạt được hiệu quả mong muốn, nhà trường chưa kết nạp được học sinh nào vào Đảng.

“Khó khăn của trường là nhiều thầy, cô giáo, cán bộ đảng viên coi học sinh còn ít tuổi, là đối tượng đến trường để học tập nên chưa quan tâm tới việc giáo dục bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, nhận thức về Đảng cho học sinh. Về phía học sinh, đa số các em cũng chỉ xác định đến trường để học tập, hoàn thành chương trình trung học phổ thông để học tiếp lên bậc học cao hơn mà chưa chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động tu dưỡng, rèn luyện, chưa xác định được mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên vì nghĩ quá khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu”, thầy Đàm Tiến Nam lý giải.

Bên cạnh đó, không ít cha mẹ học sinh, nhất là những người có con theo học tại các trường ngoài công lập như Nguyễn Bỉnh Khiêm, phần nhiều là người lao động, kinh doanh trong môi trường ngoài quốc doanh, thường chỉ xác định mục tiêu cho con học tập là chính. Hiện nay, nhà trường đang từng bước tháo gỡ những khó khăn này và quyết tâm đổi mới công tác bồi dưỡng, kết nạp được học sinh vào Đảng trong năm học 2023-2024.

Thầy Lê Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tùng Thiện (thị xã Sơn Tây) cho rằng, việc tạo nguồn và kết nạp học sinh vào Đảng là không dễ, cần tiến hành công phu, trong thời gian dài và liên tục. Vì thế, từ khi học sinh vào lớp 10 nhà trường đã rất chú trọng đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng, đạo đức, lối sống cho các em thông qua nhiều hoạt động.

“Khó khăn nhất là học sinh lứa tuổi này chưa thực sự chín chắn, dễ dao động tư tưởng. Vì vậy, việc đồng hành, hỗ trợ, định hướng rất quan trọng, cần thiết và phải kiên trì. Cách thức của nhà trường là phân công đảng viên chính thức phối hợp Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường theo dõi để giúp đỡ, định hướng và cùng các em kiên trì mục tiêu phấn đấu trong suốt 3 năm học”, thầy Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Quốc Huy, sinh viên năm thứ 4 lớp Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành 62A - Khoa Du lịch và Khách sạn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, việc kết nạp Đảng đối với học sinh trung học phổ thông có một vấn đề tồn tại mà cấp ủy Đảng và học sinh được xét kết nạp cần làm rõ, chính là việc xác định tư tưởng cho học sinh. Bởi những em học sinh này đứng trước nhiều lựa chọn, câu hỏi vào Đảng để làm gì là điều mà các em quan tâm.

Qua quá trình tiếp xúc với nhiều “Đảng viên 18”, Quốc Huy nhận thấy rằng một số bạn chưa rõ mục tiêu phấn đấu. Vì thế, việc định hướng rõ ràng tư tưởng cho học sinh thuộc đối tượng xét kết nạp sẽ tránh được tình trạng đảng viên dự bị không hoàn thành được quá trình một năm thử thách...

… đến những bất cập về quy định

Thẳng thắn nhìn vào những khó khăn bất cập trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, dù có nhiều nỗ lực và quyết tâm, song công tác kết nạp đảng viên là học sinh trong ngành Giáo dục Thủ đô chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô và với quy mô của ngành hiện nay. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên mới là học sinh trong các trường trung học phổ thông còn thấp, hầu hết các trường nhiều năm không kết nạp được đảng viên là học sinh.

“Khó khăn chung của các nhà trường trước tiên xuất phát từ nhận thức của cấp ủy, Ban Giám hiệu, sau đó đến lực lượng cán bộ, giáo viên khi thường quan niệm mục tiêu chính của học sinh đến trường là học tập kiến thức để tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát hiện, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cũng như những nhận thức về Đảng trong học sinh”, đồng chí Trần Thế Cương nêu.

Thực tế sau gần một năm triển khai Đề án số 20-ĐA/TU tại các địa phương cho thấy, tỷ lệ học sinh được kết nạp Đảng chưa nhiều còn có nguyên nhân khách quan là khi các em chuẩn bị tốt nghiệp, số học sinh chưa đủ 18 tuổi chiếm số lượng lớn. Nhiều đoàn viên đạt học sinh giỏi, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng do chưa đủ 18 tuổi nên không thể kết nạp. Ngoài ra, ở thời điểm năm cuối cấp, đa số phụ huynh muốn con em mình tập trung vào học tập để thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, nên chưa thật sự quan tâm đến nguyện vọng phấn đấu vào Đảng của các em.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương khẳng định, đây là những khó khăn đặc thù của công tác phát triển Đảng trong học sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, đòi hỏi cần sự nỗ lực, sát sao hơn nữa của các cấp ủy Đảng, nhà trường trong cách thức tiếp cận và sự chuyển biến về nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh học sinh cũng như từng học sinh.

Bên cạnh đó, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định chỉ ra, những điều kiện, quy trình, thủ tục kết nạp Đảng cho học sinh cũng còn nhiều khó khăn với các Đảng bộ. Theo quy định, học sinh phải đủ 18 tuổi trở lên tính theo ngày tháng năm sinh mới đủ điều kiện được xem xét kết nạp Đảng. Như vậy, những học sinh sinh từ tháng 7 trở đi (thời điểm được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời) sẽ ít có cơ hội hơn so với những học sinh được sinh vào các tháng đầu năm. Việc hướng dẫn học sinh hoàn thiện hồ sơ để xem xét kết nạp Đảng có phần khó khăn hơn so với các quần chúng ưu tú là giáo viên, nhân viên nhà trường, do các em chưa có nhiều kinh nghiệm trong các thủ tục, quy trình và giai đoạn hoàn thiện hồ sơ cũng là giai đoạn các em phải tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối chiếu với tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp học sinh trung học phổ thông theo Hướng dẫn số 11-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, theo đó quy định về học lực, hạnh kiểm của học sinh trung học phổ thông trong hai năm học (lớp 10, 11) và học kỳ I của lớp 12 phải đạt học lực Giỏi và được đánh giá, hạnh kiểm Tốt. Trên thực tế, khi có kết quả học tập của học kỳ I lớp 12 thì rơi vào thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2; lúc này các nhà trường bước sang học kỳ II của năm học. Các công việc, nhiệm vụ của nhà trường cần tập trung cho công tác chuyên môn, do đó công tác phát triển đảng viên tại các trường trung học phổ thông bị tác động, chi phối, có phần bị hạn chế và có những khó khăn nhất định.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu rõ, ngoài những khó khăn trên, báo cáo thực tế tại các địa phương cho thấy việc chuyển tiếp quần chúng trong diện bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại các trường về địa phương và các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất cập. Một số tổ chức Đảng chưa thực sự quan tâm đến nguồn quần chúng chuyển tiếp, làm gián đoạn quá trình theo dõi, giúp đỡ. Thực tế có nhiều trường hợp phải phấn đấu lại từ đầu gây tâm lý không tốt cho học sinh và phụ huynh.

Nguyên nhân của những khó khăn trên là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn hạn chế, chưa thực sự coi trọng việc kết nạp Đảng trong học sinh trung học phổ thông là nhiệm vụ trọng tâm; chưa có giải pháp cụ thể. Trong khi đó, công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao, nhất là vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

“Một số tổ chức Đảng trong nhà trường còn tuyệt đối hóa về tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện khắt khe hoặc áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện ở một số trường chuyên vào trường không chuyên không phù hợp với đặc thù của nhà trường đã làm hạn chế cơ hội của các em học sinh trung học phổ thông đứng trong hàng ngũ của Đảng”, đồng chí Vũ Đức Bảo nêu.

(Còn nữa)

Đề án số 20-ĐA/TU đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 kết nạp học viên, sinh viên, giảng viên các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, học viện phấn đấu mỗi năm kết nạp 2.500 đảng viên; giai đoạn 2025-2030 phấn đấu mỗi năm tăng từ 3% trở lên. Phấn đấu tỷ lệ đảng viên là giảng viên đạt từ 70% trở lên so với tổng số giảng viên.