IEA: Tăng trưởng xanh mang lại hy vọng hạn chế sự nóng lên của Trái đất
Fatih Birol - Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, triển vọng thế giới hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C đã sáng sủa hơn nhờ sự tăng trưởng “đáng kinh ngạc” của năng lượng tái tạo và đầu tư xanh trong hai năm qua.
Theo người đứng đầu cơ quan giám sát năng lượng thế giới, dù các quốc gia còn nhiều việc phải làm nhưng việc sử dụng nhanh chóng năng lượng mặt trời và xe điện là điều đáng khích lệ.
Ông Fatih Birol nói trong một cuộc phỏng vấn: “Bất chấp quy mô của những thách thức, tôi cảm thấy lạc quan hơn so với hai năm trước. Việc lắp đặt quang điện mặt trời và doanh số bán xe điện hoàn toàn phù hợp với những gì chúng tôi đã nói, đang trên đà đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đầu tư vào năng lượng sạch trong hai năm qua đã tăng đáng kinh ngạc 40%”.
Nhưng ông Birol cũng lưu ý rằng, lượng khí thải nhà kính từ lĩnh vực năng lượng “vẫn ở mức cao” và thời tiết khắc nghiệt xảy ra trên khắp thế giới trong năm nay cho thấy khí hậu đã thay đổi “với tốc độ đáng sợ”.
IEA, trong một báo cáo mang tên Lộ trình Net Zero, được công bố vào sáng ngày 26-9, cũng kêu gọi các nước phát triển có mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hãy thúc đẩy sớm hơn vài năm. Báo cáo cho thấy “hầu hết các quốc gia đều phải đẩy nhanh thời hạn như mục tiêu của mình”.
Ông Birol cho biết, COP28, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức tại Dubai vào tháng 11 năm nay, mang đến cơ hội quan trọng cho các nước đặt ra các kế hoạch cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn. Ông muốn thấy COP28 đồng ý tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 và cắt giảm 75% lượng khí mê-tan từ ngành năng lượng vào cùng thời điểm. Nhưng ông Birol cũng cảnh báo rằng, tình hình địa chính trị, và mối quan hệ vẫn còn băng giá giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ khiến COP28 trở nên khó khăn hơn.
Nhà lãnh đạo của IEA kêu gọi COP28 đồng ý tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng. “Để giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, chúng ta cần giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Đây là điều kiện vàng nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu về khí hậu”, ông nêu rõ.