Tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa tại huyện Thạch Thất
Sáng 26-9, Đoàn giám sát số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn làm việc với Huyện ủy Thạch Thất về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; lãnh đạo các sở, ngành.
12/20 chỉ tiêu đạt và vượt
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành 87 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thường trực HĐND huyện đã tổ chức 3 phiên giải trình về việc đầu tư công; khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; về công tác vệ sinh môi trường; 1 phiên tiếp xúc cử tri chuyên đề về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và tổ chức 6 cuộc giám sát đối với 27 cơ sở, đơn vị về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường...
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thạch Thất đã tổ chức 4 cuộc giám sát, đối với 7 tổ chức Đảng về triển khai, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang văn minh tiến bộ; giám sát việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, đã kịp thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở, đơn vị.
Trên cơ sở cụ thể hóa 7 nhóm lĩnh vực, 19 chỉ tiêu Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, Huyện ủy Thạch Thất đã ban hành Chương trình 05-CTr/HU đề ra 7 nhóm, với 20 chỉ tiêu, kết quả thực hiện đến nay đã có 12/20 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu thành phố đặt ra.
Trong đó, với nhóm chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 88,8%; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa" đạt 88,8%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" đạt 80%…
Với nhóm chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, 100% di tích xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn huyện đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Đến nay, đã tu bổ được 20 di tích và không có di tích xuống cấp nghiêm trọng…
Huyện cũng đã tham gia xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết, thời gian tới, huyện sẽ hoàn thiện, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa; tập trung rà soát quy hoạch bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố… Huyện cũng sẽ quan tâm tu bổ, tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa, tổ chức lập và trình phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, Nhà lưu niệm Bác Hồ; đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền giới thiệu các di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; phối hợp với các sở, ngành thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có quy mô lớn.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn kiểm tra đã trao đổi nhiều ý kiến nhằm nâng chất lượng triển khai Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Nhấn mạnh 3 nhóm nội dung của Chương trình 06-CTr/TU, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đề nghị huyện Thạch Thất lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện. Đặc biệt, huyện cần xác định rõ những tiềm năng, lợi thế để xây dựng được những sản phẩm văn hóa đặc sắc, mang bản sắc riêng, có sức hấp dẫn để thu hút công chúng; từ đó tạo được nguồn thu từ các sản phẩm văn hóa.
Hài hòa phát triển kinh tế và văn hóa
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, Thạch Thất là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện. Trên địa bàn huyện có nhiều dự án lớn của Trung ương và thành phố đang được triển khai thực hiện như: Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội. Trên địa bàn huyện cũng có 209 di tích, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, 34 di tích cấp quốc gia và 66 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Huyện cũng có 92 di sản văn hóa phi vật thể với 18 di sản được ưu tiên bảo vệ…
Đây là những tiềm năng, lợi thế để Thạch Thất phát triển toàn diện công nghiệp văn hóa theo đúng chủ trương của Thành ủy.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của huyện Thạch Thất, tiêu biểu là có 12/20 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu thành phố đề ra.
Nhấn mạnh quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển văn hóa phải song hành với phát triển kinh tế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Thạch Thất bám sát các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy về phát triển văn hóa, qua đó phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế vốn có.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Thạch Thất là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố phát triển của nền kinh tế, có nhiều làng nghề truyền thống, văn hóa đa dạng, phong phú, song việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng.
Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị, thời gian tới, huyện Thạch Thất cần tiếp tục rà soát lại mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu của Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU; huy động các nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao… Trong đó cần tập trung khai thác, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương; tạo dựng các sản phẩm văn hóa theo đúng tinh thần đã nêu như: Tổ chức giải vật truyền thống, lễ hội vùng chùa Tây Phương; thiết kế các sản phẩm du lịch làng nghề, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực mang đặc trưng của quê hương Thạch Thất…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý huyện Thạch Thất quan tâm xây dựng “Người Thạch Thất thanh lịch văn minh” gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa xứ Đoài. Cùng với đó, cần tập trung đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế, sản phẩm văn hóa; khuyến khích phát triển du lịch văn hóa và các không gian sáng tạo văn hóa…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tin tưởng, Thạch Thất sẽ phát huy những tiềm năng, lợi thế về kinh tế, văn hóa xã hội để trở thành đô thị phía Tây của Thủ đô Hà Nội trong một tương lai không xa.