Nội Am gìn giữ tinh hoa bánh Trung thu cổ truyền
Thôn Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) nổi tiếng với làng nghề làm bánh trung thu. Những ngày này, hương nếp, hương cốm, mùi thơm ngạt ngào của bánh nướng lan tỏa mọi ngõ ngách trong thôn. Từ đây, Nội Am mang trung thu tới mọi nhà...
Hối hả "vào vụ"
Trong đời sống văn hóa truyền thống dân tộc, Tết Trung thu (rằm tháng Tám) là ngày hội lớn của trẻ em gắn liền với hương vị bánh dẻo, bánh nướng; hình ảnh đèn lồng, đèn ông sao rực rỡ sắc màu...
Từ tháng Bảy âm lịch hằng năm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt đầu làm bánh, cao điểm là thời điểm mùng 1 tháng Tám đến 15 tháng Tám. Cứ vào dịp này, từ đầu làng đến cuối làng Nội Am đều cảm nhận trung thu đang đến rất gần bởi hương thơm của bột nếp bánh dẻo, lá chanh bánh nướng; tiếng lạch cạch vui tai của khuôn gỗ - nay thêm khuôn nhựa...
Để kịp phục vụ nhu cầu của người dân, các cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn phải hối hả trong những ngày “chính vụ”. Mỗi ngày, hàng nghìn chiếc bánh chất lượng tốt với nhiều kiểu dáng, kích thước được "ra lò". Ông Hoàng Văn Tươi, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Tiến Dũng - Vĩnh Thịnh Long cho biết, từ năm 1965, nhiều người dân ở Nội Am đi làm trên các tiệm bánh ở phố cổ Hà Nội, học được nghề và truyền lại cho con cháu để phát triển kinh tế. Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển nhưng người dân trong thôn vẫn chú trọng sản xuất bánh trung thu cổ truyền, tạo nét riêng biệt giữa các loại bánh trung thu hiện đại.
“Để làm nên chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, người thợ phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, xay bột, trộn nhân đến đổ bánh vào khuôn, nướng bánh (đối với bánh nướng). Trong đó, kỳ công nhất là làm nhân bánh: Mỡ phần làm chín, đường kính, mứt bí, mứt sen, lạp sườn, xá xíu, hạt dưa rang chín, hạt vừng rang chín, nước sạch, lá chanh, quất xanh… Không đóng hộp sang trọng, cầu kỳ, cũng không quá cao cấp, đắt tiền như các loại bánh hiện đại, bánh trung thu do các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn xã sản xuất vẫn có sức hấp dẫn riêng với mọi người nhờ hương vị truyền thống và sự mộc mạc đặc trưng. Hiện nay, ngoài hương vị bánh truyền thống, các hộ làm nghề còn sản xuất thêm các loại bánh hiện đại để đáp ứng nhu cầu khách hàng”, ông Tươi chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Tạ Duy Đông cho biết, nghề làm bánh kẹo thôn Nội Am, xã Liên Ninh được hình thành từ năm 1965 với các sản phẩm: Bánh trung thu, bánh chả, bánh vừng vòng... Đặc biệt, sản phẩm bánh trung thu truyền thống được các hộ trong thôn duy trì, phát triển. Hiện, tại thôn Nội Am còn 11 hộ kinh doanh bánh trung thu truyền thống. Đầu năm 2023, thành phố Hà Nội có Quyết định công nhận Nội Am là làng nghề truyền thống bánh mứt kẹo; sản phẩm bánh trung thu cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Nhờ làng nghề phát triển, đời sống người dân trên địa bàn thôn nói riêng, xã Liên Ninh nói chung ngày một nâng cao...
Bảo vệ, nâng cao giá trị sản phẩm
Nhằm nâng tầm sản phẩm làng nghề, các gia đình trong thôn Nội Am không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại vào các công đoạn như nhào nha, nướng bánh, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sản phẩm được dán nhãn mác, có thời hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất cụ thể...
Đáng mừng, các thế hệ trẻ ở Nội Am cũng đang gìn giữ, phát triển thương hiệu bánh trung thu. Cô giáo Triệu Như Quỳnh (sinh năm 1990), hiện là giáo viên Trường Mầm non A Liên Ninh cho biết, vào những dịp làm bánh trung thu, để giữ lửa nghề truyền thống cho các em ngay từ tuổi thơ, cô còn dạy các em công đoạn làm bánh. Ở Nội Am, không ít bạn trẻ theo đuổi nghề làm bánh bởi sẵn nền tảng truyền dạy từ cha ông...
Theo Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Tạ Thu Sa, với tình yêu nghề truyền thống, mong muốn giữ gìn, phát huy tinh hoa làng nghề và truyền lửa đến thế hệ trẻ, đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, vừa qua, Huyện đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức Liên hoan Bàn tay vàng làng nghề truyền thống bánh trung thu. Liên hoan này đã góp phần truyền tải thông điệp đến đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân thôn Nội Am, xã Liên Ninh cùng giữ gìn truyền thống làng nghề.
Về sự phát triển của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện nói chung và làng nghề bánh kẹo Nội Am, xã Liên Ninh nói riêng, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho các làng nghề...
Cùng với đó, huyện phối hợp với các sở, ngành triển khai tư vấn, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho các làng nghề; đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh thiết kế mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng; tăng cường hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm làng nghề đã được công nhận OCOP vào các siêu thị, chuỗi thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc...