Đảo quốc nhỏ xa sáng giá
Thời Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ quan tâm đến và coi trọng các đảo quốc ở vùng Nam Thái Bình Dương hơn hẳn nhiều thập kỷ trước đấy.
Việc này có hai nguyên do chính. Thứ nhất là Trung Quốc tăng cường mối quan hệ và tầm ảnh hưởng với các đảo quốc nhỏ ở nơi vốn vẫn được coi là tận cùng của thế giới. Xưa, đây là vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ nhưng hiện tại, lần đầu tiên Mỹ đứng trước nguy cơ bị sứt mẻ tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực này. Thứ hai, Mỹ đã dịch chuyển trọng tâm và ưu tiên chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên vùng Nam Thái Bình Dương càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với Mỹ.
Cuộc gặp cấp cao lần thứ hai giữa Mỹ và các đảo quốc Nam Thái Bình Dương được ông Joe Biden tổ chức không nhằm mục đích gì khác ngoài tranh thủ và tập hợp các đảo quốc nhỏ xa này, cạnh tranh và đẩy lùi ảnh hưởng của các nước lớn khác ra khỏi khu vực. Năm ngoái, lãnh đạo của 14 đảo quốc đã nhận lời mời của ông Joe Biden sang Mỹ dự cuộc gặp cấp cao đầu tiên. Hồi tháng 5 năm nay, ông Joe Biden đã định tới vùng Nam Thái Bình Dương để tiến hành cuộc gặp cấp cao lần thứ hai nhưng rồi không thực hiện được chuyến đi vì nguy cơ Chính phủ Mỹ không còn ngân quỹ để tiếp tục hoạt động.
Bây giờ, ông Joe Biden tận dụng dịp họp Đại hội đồng Liên hợp quốc để tổ chức cuộc gặp cấp cao lần thứ hai. Lãnh đạo của 18 đảo quốc tham dự nhưng cũng có một vài đảo quốc chỉ tham dự ở cấp thấp. Qua đó, có thể thấy các đảo quốc này vẫn coi trọng Mỹ và buộc phải hợp tác với Mỹ nhưng vẫn muốn chơi con bài đối trọng giữa Mỹ và Trung Quốc để tận lợi tối đa. Mỹ, Trung Quốc và cả các đối tác bên ngoài khác nữa càng ganh đua ảnh hưởng ở khu vực này thì các đảo quốc nhỏ xa càng thêm sáng giá.
Cách làm của Mỹ để tranh thủ các đảo quốc nhỏ là tăng cường hiện diện trực tiếp về mọi phương diện ở khu vực; thuyết phục các đảo quốc tin rằng Mỹ là sự bảo đảm tốt nhất cho an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Cho nên ông Joe Biden dùng thiện chí và cam kết (công nhận thêm hai đảo quốc, vận động mở đại sứ quán thường trú ở Vanuatu, cam kết đầu tư mạnh mẽ vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại các đảo quốc) để thể hiện rõ tầm ảnh hưởng của mình. Để mở rộng tầm ảnh hưởng, ông Joe Biden tập trung vào gây dựng những lợi ích thiết thực cho các đảo quốc: Chống biến đổi khí hậu trái đất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chống đánh cá bất hợp pháp, chuyển đổi số... Xem ra, chủ trương của phía Mỹ là ganh đua và đẩy lùi ảnh hưởng của các nước lớn khác ra khỏi khu vực bằng chính những biện pháp chính sách và cách thức các nước này áp dụng ở khu vực, đồng thời bằng cả những biện pháp chính sách riêng khác mà Mỹ có lợi thế nổi trội.
Trung Quốc tăng cường chinh phục vùng Nam Thái Bình Dương và sự tự tin ngày càng tăng của các đảo quốc trong vùng làm cho Mỹ sẽ ngày thêm khó khăn trong việc biến vùng Nam Thái Bình Dương thành một khu vực trụ cột trọng tâm trong chiến lược của mình tại vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cần nhưng các đảo quốc không vội vì đã bắt đầu chờ xem ông Joe Biden tiếp tục cầm quyền hay ai đó khác sau năm 2024.