Nông nghiệp - Nông thôn

Tồn đọng nhiều vụ vi phạm pháp luật thủy lợi: Liệu có khó xử lý?

Kim Nhuệ 26/09/2023 - 06:32

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn đọng 12.335 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi, trong đó có nhiều hành vi đe dọa an toàn công trình. Vì sao có tình trạng này và làm gì để khắc phục, xử lý đang là vấn đề đặt ra...

muong-1.jpg
Kênh Phụng Châu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) bị người dân đổ bê tông lấp mặt kênh, gây khó khăn cho công tác nạo vét lòng dẫn.

“Trên nóng, dưới nguội”

Mặc dù đang trong mùa mưa bão, nhưng quan sát tại các hệ thống thủy lợi của thành phố, dễ dàng nhận ra nhiều vi phạm mới phát sinh; trong đó, nghiêm trọng nhất là trên trục sông Nhuệ, đoạn qua các xã: Tân Dân, Văn Hoàng, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) xảy ra tình trạng đổ phế thải, tập kết vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, với quy mô hàng trăm mét vuông.

Trên kênh La Khê, đoạn qua thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai), nhiều hộ dân làm cầu để đi lại. Trên kênh tưới Đồng Quan, thuộc địa bàn xã Lại Yên (huyện Hoài Đức), một hộ dân đặt ống cống, san lấp bờ và lòng kênh với diện tích khoảng 50m2...

Theo các đơn vị quản lý, khai thác, những hành vi vi phạm nêu trên không chỉ làm giảm công năng, mà còn trực tiếp đe dọa an toàn công trình thủy lợi. Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 196 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi.

Địa phương để phát sinh nhiều vụ vi phạm là huyện Thường Tín 51 vụ, huyện Phú Xuyên 49 vụ, quận Nam Từ Liêm 19 vụ, huyện Chương Mỹ 16 vụ...

Mặc dù các cấp, ngành, đơn vị quản lý công trình thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý, có biện pháp ngăn ngừa vi phạm, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương mới xử lý được 75 vụ, trong đó có 30 vụ việc phát sinh trong năm 2023 và 45 vụ tồn tại từ trước năm 2023. Như vậy, tính đến thời điểm này, các địa phương chưa xử lý 166 vụ xảy ra trong năm 2023, nâng tổng số vụ tồn đọng từ trước đến nay là 12.335 vụ.

Thực tế nêu trên là minh chứng rõ ràng về tình trạng “trên nóng, dưới nguội” trong quản lý, bảo vệ công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai úng ngập, hạn hán... Nói cách khác, đó là biểu hiện của sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của một số đơn vị, địa phương.

Làm rõ trách nhiệm

Trước thực trạng nêu trên, ngày 20 và 21-9 vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực thủy lợi tại các xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), Cao Dương (huyện Thanh Oai), Hòa Bình (huyện Thường Tín).

Báo cáo tại buổi kiểm tra, đại diện đơn vị quản lý, khai thác công trình cho biết, do không có thẩm quyền xử lý, nên khi phát hiện sự việc, đơn vị đã phối hợp với các xã lập biên bản, thiết lập hồ sơ, đề nghị các cấp xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Thế nhưng, các địa phương chưa quyết liệt, khiến nhiều vi phạm chậm xử lý, tồn đọng.

muong-2.jpg
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra việc tự tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật của hộ ông Nguyễn Huy Hiệp ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai).

Điển hình là vụ việc vi phạm của hộ ông Nguyễn Huy Hiệp ở thôn Áng Phao (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) khi dựng lán sản xuất trên mặt bờ, mái ngoài và lưu không của kênh La Khê. Ngày 2-11-2022, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển thủy lợi La Khê đã phối hợp với xã Cao Dương lập biên bản kiểm tra vi phạm. Biên bản đã xác định, ông Nguyễn Huy Hiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi, quy định tại Khoản 10, Điều 8, Luật Thủy lợi; đồng thời yêu cầu chủ thể dừng ngay hành vi vi phạm, tự tháo dỡ phần vi phạm, hoàn trả nguyên trạng công trình thủy lợi xong trước ngày 7-11-2022.

Đến ngày 18-11-2022, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển thủy lợi La Khê tiếp tục có văn bản đề nghị UBND xã Cao Dương xem xét xử lý hành vi vi phạm của ông Nguyễn Huy Hiệp xong trước ngày 30-11-2022. Ngày 25-11-2022, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy gửi văn bản và hồ sơ đề nghị UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo đơn vị liên quan xử lý vi phạm nêu trên xong trước ngày 9-12-2022.

Liên quan việc này, đại diện Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, sau khi nhận được văn bản của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, huyện đã có 2 văn bản chỉ đạo xã Cao Dương xử lý. Do UBND xã Cao Dương báo cáo gia đình ông Nguyễn Huy Hiệp có văn bản cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm, nên huyện Thanh Oai chưa tổ chức kiểm tra...

Tương tự, UBND huyện Thường Tín đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng UBND xã Hòa Bình không xử lý dứt điểm hành vi dựng lán xưởng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của bà Nguyễn Thị Ngoan. Chỉ khi UBND huyện Thường Tín có văn bản phê bình UBND xã Hòa Bình và chỉ đạo đơn vị liên quan vào cuộc vụ việc nêu trên mới được xử lý dứt điểm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải đánh giá, mặc dù các đơn vị quản lý, khai thác công trình đã phát hiện, song chưa tích cực phối hợp đôn đốc các địa phương xử lý, dẫn đến trên địa bàn thành phố còn tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nhưng các tổ chức thủy lợi chưa có báo cáo riêng về Sở NN&PTNT Hà Nội. Một số xã chưa ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính là không đúng quy định pháp luật hiện hành...

Từ thực tiễn trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương phải khắc phục ngay những hạn chế nêu trên và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Chủ tịch UBND cấp huyện, nhất là các địa phương phát sinh, tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm, trực tiếp chỉ đạo xử phạt để giảm số vi phạm mới, tăng số vụ vi phạm được xử phạt... Các tổ chức thủy lợi phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa, không để phát sinh vi phạm mới tại các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để các vụ vi phạm cũ tái diễn, mở rộng quy mô vi phạm...

Công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần quyết liệt và tăng trách nhiệm hơn nữa trong quản lý, xử lý, bảo đảm an toàn công trình.