Mất ngủ làm tăng nguy cơ trầm cảm
Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm truyền thông về rối loạn giấc ngủ do Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức vào chiều 25-9.
Tại tọa đàm, các bác sĩ thông tin về việc điều trị cho bệnh nhân nữ B.T.D (42 tuổi, ở Hải Dương). Khoảng 1 năm nay, chị D thường xuyên rơi vào tình trạng ít ngủ. Chị là giáo viên cấp 2, gia đình hòa thuận. Thỉnh thoảng, chị mua trà thảo dược về uống nhưng giấc ngủ cũng không mấy cải thiện.
Cách đây 3 tháng, chị ngủ ngày càng ít, mỗi đêm thường chỉ chợp mắt được 2-3 tiếng. Sau khi lên giường, chị phải mất vài tiếng mới vào được giấc ngủ và luôn trong tình trạng chập chờn, thức giấc.
Mất ngủ kéo dài khiến chị D luôn mệt mỏi, buồn ngủ nhưng không thể ngủ được và đau đầu. Chị cũng khó tập trung vào công việc hơn, hay lơ đãng và dễ nổi cáu vô cớ. Thậm chí, chị ăn uống cũng kém hơn và bị sụt 2 kg/2 tháng. Lo lắng nên chị đã đến Viện Sức khỏe tâm thần thăm khám và được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ.
Đề cập đến rối loạn giấc ngủ, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết: Rối loạn giấc ngủ là tình trạng liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng. Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Huệ, những năm gần đây, có khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng… Trong đó, 5% - 6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu.
“Mất ngủ có mối liên quan chặt chẽ với trầm cảm, lo âu. Mất ngủ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại. Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm gấp gần 4 lần so với người không mất ngủ”, bác sĩ Đoàn Thị Huệ thông tin.
Nguyên nhân của mất ngủ có thể liên quan đến nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính, như bệnh tim và tiểu đường. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh thể chất hoặc các bệnh lý hệ thần kinh, như suy tim sung huyết, viêm xương khớp và bệnh Parkinson... Ngoài ra, có một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các tác nhân khác như: Rượu, caffeine, theobromine, methyl xanthenes…
Đáng lo ngại là tình trạng rối loạn giấc ngủ đồng bệnh lý với rối loạn tâm thần. Bác sĩ Đoàn Thị Huệ thông tin, 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có 1 rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Mất ngủ là yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, gấp 3,95 lần so với không có mất ngủ…
Để điều trị rối loạn giấc ngủ, theo các bác sĩ, bệnh nhân cần được hướng dẫn về thói quen ngủ lành mạnh, tạo thói quen ngủ đúng quy tắc. Bên cạnh đó, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp thể dục, tránh sử dụng các chất kích thích…
Một biện pháp điều trị chứng mất ngủ có thể kể đến là liệu pháp thư giãn. Theo đó, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn thở bằng cơ hoành, phản hồi sinh học, hình ảnh và thiền định. Bệnh nhân thực hiện bài tập hít thở sâu, sau đó là căng và thư giãn xen kẽ các nhóm cơ (ví dụ: cánh tay, cổ, lưng, chân) trên toàn cơ thể, hướng dẫn chú ý đến cảm giác thư giãn sau quá trình so với cảm giác căng thẳng trước đó và thực hành kỹ thuật này một lần trong ngày và trước khi đi ngủ.