Bình Dương phấn đấu trong top 10 cả nước về chuyển đổi số
Tỉnh Bình Dương phấn đấu hoàn thành việc hợp nhất Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống một cửa điện tử tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 30-9.
Chuyển đổi toàn diện
Để thứ hạng cải cách TTHC và chuyển đổi số sớm đứng trong top 10 cả nước, giữa tháng 9-2023, tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo triển khai nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC, chuyển đổi số.
Theo đó, trong quý IV-2023, đối với công tác cải cách TTHC, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu từ Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, bảo đảm đạt 80% dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, xây dựng quy chế, quy trình giải quyết TTHC liên thông, các form điện tử trong nội bộ các cơ quan Nhà nước. Trước mắt, thực hiện thí điểm liên thông lĩnh vực đầu tư và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; chuẩn hóa 100% eform trước ngày 30-9. Hoàn thành việc hợp nhất Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống một cửa điện tử tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC với Cổng dịch vụ công quốc gia trước 30-9.
Về công tác chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tập trung thực hiện kết nối, khai thác và sử dụng các dịch vụ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hiệu quả kho dữ liệu dùng chung của tỉnh dựa trên 241 danh mục dữ liệu mở, 47 danh mục dữ liệu dùng chung và 24 dịch vụ chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, lựa chọn 27 lĩnh vực chuyển đổi số toàn diện các tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 để triển khai các ứng dụng chuyên ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, Bình Dương quyết tâm đưa chỉ số cải cách TTHC và chuyển đổi số đứng trong top 10 cả nước. Ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện, ban hành quy trình và quy chế giải quyết TTHC liên thông nội bộ giữa các cơ quan Nhà nước.
Song song đó, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải làm việc không giấy, giải quyết công việc, hồ sơ liên thông trên mạng, thực hiện báo cáo định kỳ bằng eform điện tử, làm đến đâu thực hiện số hóa đến đó…
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho hay, Tân Uyên tiếp tục thực hiện đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông trong cải cách TTHC để trợ giúp người dân kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Trao đổi Báo Hànộimới, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ theo hướng hiện đại hóa, hướng tới dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, số hóa dữ liệu và giải quyết thủ tục trực tuyến 100%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Nỗ lực ngay từ cơ sở
Theo UBND thành phố Tân Uyên, năm 2022, kết quả chấm điểm chỉ số cải cách TTHC của thành phố xếp thứ 2/9 huyện, thị, thành của tỉnh Bình Dương. Thành phố đã đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công giúp cho cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giải quyết TTHC.
“Với dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể nộp hồ sơ ở bất cứ đâu, mọi thời điểm trong ngày, chỉ cần có kết nối internet”, ông Lê Hoài Bảo (ngụ tại phường Tân Hiệp) chia sẻ.
Chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố đã tiếp nhận 6.453 hồ sơ, xử lý 6.009 hồ sơ, chiếm tỷ lệ hơn 99%. Đến nay, UBND thành phố và 12/12 xã, phường đã triển khai giải quyết 100% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Trong khi đó, ngành Hải quan tỉnh Bình Dương cũng đang đẩy mạnh cải cách TTHC và chuyển đổi số. Tại các điểm làm thủ tục, cơ quan Hải quan trang bị các ki-ốt tự động để lấy ý kiến của khách hàng, doanh nghiệp về chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ công chức; sử dụng các nền tảng trực tuyến như group Zalo, Facebook…, để chủ động giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, không để tồn đọng kéo dài.
Về lĩnh vực đất đai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ngô Quang Sự cho biết, Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu địa chính theo đúng quy định, được xây dựng đồng bộ, tập trung cho tất cả 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn qua các năm của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt từ 98% trở lên và không có hồ sơ quá hạn chưa giải quyết.
Theo kết quả công bố chỉ số cải cách TTHC năm 2022, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương đạt gần 86%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành tăng 18 bậc so với năm 2021. Về xếp hạng về chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương năm 2022, Bình Dương đạt 0,6321 điểm, xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 3 hạng so với năm 2021.