Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc điều trị
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng tại một số tỉnh, thành phố, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.
Ngày 25-9, theo tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đơn vị này đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Theo Cục Quản lý dược, hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Để bảo đảm việc cung ứng thuốc và kiểm soát giá các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp.
“Mục tiêu là bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đối với các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi”, Cục Quản lý dược nêu rõ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Cục Quản lý dược cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Cùng với đó, Cục Quản lý dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc cần chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc.
Trước đó, cuối tuần qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống đau mắt đỏ. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Các đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, từ tháng 8-2023 đến nay, dịch bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh tại thành phố Hà Nội. Thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt trung ương ghi nhận trung bình khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. So với tháng 6-2023, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9-2023 tăng gấp gần 2 lần. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 9-2023, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận khoảng 4.000 ca bệnh/ngày. Trong 20 ngày gần đây, tỉnh Quảng Nam cũng đã ghi nhận tới 42.000 ca đau mắt đỏ…