Kinh tế

Bất cập cơ chế, chính sách: Nhiều cụm công nghiệp chậm triển khai

Hoàng Văn 25/09/2023 - 07:36

Những năm qua, các địa phương của Hà Nội “trải thảm đỏ” mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu thuê mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội và giảm ô nhiễm môi trường trong các làng nghề.

Tuy nhiên, do bất cập về cơ chế, chính sách…, nhiều cụm công nghiệp chậm tiến độ xây dựng. Để tháo gỡ, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ pháp lý giúp chủ đầu tư sớm xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

cum-cong-nghiep-phuong-trun.jpg
Cụm công nghiệp Phương Trung (huyện Thanh Oai) đang được đầu tư xây dựng hạ tầng. Ảnh: Hoàng Sơn

"Vướng” cơ chế, chính sách

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách 1.100 tỷ đồng/năm. Hiệu quả kinh tế - xã hội đã được khẳng định, đồng thời để đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất ngày càng cao của các doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội thành lập thêm 43 cụm công nghiệp. Theo tiến độ, các cụm công nghiệp này phải được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2021-2022, song do nhiều nguyên nhân, đến nay, mới có 13 cụm công nghiệp được khởi công; còn 30 cụm công nghiệp vẫn “án binh bất động”.

Tại huyện Quốc Oai có 4 cụm công nghiệp, gồm: Tân Hòa, Ngọc Mỹ - Thạch Thán, Nghĩa Hương, Ngọc Liệp mở rộng thành lập từ năm 2017-2020, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Ông Dương Đình Khôi, chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên (xã Tân Hòa) cho biết, khi thành phố có quyết định thành lập cụm công nghiệp để đưa cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, người dân rất vui mừng. Thế nhưng, đã hơn 5 năm chờ đợi, đến nay, cụm công nghiệp vẫn chưa được triển khai.

Tương tự, Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) thành lập tháng 7-2017 hay Cụm công nghiệp làng nghề Liên Hiệp, Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) thành lập tháng 6-2020, đến nay cũng chưa được xây dựng… Tình trạng này kéo dài đã gây lãng phí đất đai, hạn chế phát triển công nghiệp của các địa phương và không đạt được mục tiêu di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Nguyên nhân chính khiến các cụm công nghiệp này chậm triển khai, chủ yếu liên quan đến bất cập về cơ chế, chính sách. Cụ thể, ngày 3-10-2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 33/2022 về quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, quy định các cụm công nghiệp chưa triển khai phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; nâng diện tích ô đất trong các cụm công nghiệp từ 1.000m2 trở lên; chuyển từ nộp tiền thuê đất một lần sang nộp tiền thuê đất hằng năm...

Đâu là giải pháp?

Tại hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp làng nghề Ngọc Mỹ - Thạch Thán (huyện Quốc Oai) vừa qua, đại diện một số cơ sở sản xuất đồ mộc ở xã Ngọc Mỹ đề nghị không điều chỉnh diện tích các ô đất lên 1.000m2, vì không phù hợp với các hộ sản xuất nhỏ trong làng nghề. Trong khi đó, các đơn vị đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp kiến nghị các sở, ngành xem xét lại quy định về điều chỉnh quy hoạch; có chính sách ổn định lâu dài và phê duyệt phương án chi trả tiền thuê đất một lần, thay vì trả tiền hằng năm. Đồng thời, đề nghị UBND các cấp khẩn trương ban hành khung giá đất mới theo Nghị quyết số 73/NQ-CP của Chính phủ để chủ đầu tư có cơ sở chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai dự án.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện đang chỉ đạo các xã tổng hợp ý kiến của người dân và chủ đầu tư để báo cáo các sở, ngành xem xét. Đồng thời, UBND huyện giao các phòng, ban chuyên môn tham mưu UBND huyện sớm ban hành quyết định giá đất bồi thường theo Nghị quyết số 73/NQ-CP; phối hợp với UBND các xã gửi thông báo tới những hộ gia đình có đất nằm trong các dự án, lập phương án bồi thường, hỗ trợ; đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án để phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn trong quý IV-2023. Câu chuyện trên ở Quốc Oai cũng chỉ là một trong những ví dụ về việc các cấp, ngành cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các giải pháp để đưa nhiều khu công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để tháo gỡ khó khăn, năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, nhằm đốc thúc tiến độ thực hiện mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn, như: Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp; Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn.

Gần đây nhất, ngày 28-8, tại Thông báo số 398, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đang quyết liệt thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho chủ đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. UBND thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục cho chủ đầu tư. Đối với giao đất, cho thuê đất, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ thực tiễn, vận dụng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai xây dựng cụm công nghiệp, đáp ứng mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.