Hà Nội kết nối

Đồng Nai: Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ

Thanh Tàu - Văn Tùng 24/09/2023 - 17:00

Tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương thu hút người lao động nhiều nhất Đông Nam Bộ, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, công tác lập hồ sơ chủ trương đầu tư nhà ở xã hội tại Đồng Nai chưa đạt yêu cầu.

381167004.jpg
Dự án nhà ở xã hội ở phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai).

UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, tổng số lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về chỗ ở khoảng 410.597 người. Tuy nhiên, các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội hiện mới đáp ứng khoảng 6,5% nhu cầu, số còn lại đang ở trọ. Dự ước đến năm 2025, Đồng Nai có thêm 3 khu công nghiệp (hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động) hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, thu hút khoảng 56.700 lao động. Như vậy trong 3 năm nữa, có khoảng 450.000 người lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở.

Không chỉ người lao động ở các khu công nghiệp mới có nhu cầu nhà ở mà các đối tượng khác như người có thu nhập thấp ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang… cũng đang có nhu cầu lớn về nhà ở.

Để đáp ứng nhu cầu này, năm 2022, Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 07/NQ/TU ngày 22-8-2022 với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 thực hiện 10.000 căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Ngay sau khi chủ trương được ban hành, các địa phương trình hồ sơ 10 dự án quy mô 13.000 đến 15.000 căn hộ.

375757822.jpg
Dự án nhà ở xã hội A6-A7 tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Tuy nhiên, đến nay, mới có 3 dự án được tỉnh Đồng Nai phê duyệt gồm: Nhà ở xã hội A6-A7 tại phường Quang Vinh (thành phố Biên Hòa) quy mô 435 căn; nhà ở xã hội 16,7ha tại phường Bảo Vinh (thành phố Long Khánh) quy mô 1.054 căn và dự án khu chung cư công nhân hơn 2ha thuộc dự án phát triển nhà ở 33,65ha tại Khu trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), quy mô 624 căn hộ.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, so với mục tiêu đề ra, công tác lập hồ sơ chủ trương đầu tư nhà ở xã hội của một số địa phương chưa đạt yêu cầu, hiện có 7/11 địa phương chưa trình hồ sơ chủ trương đầu tư dự án. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu là pháp lý đất đai (phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn dự án). Việc bỏ ưu đãi 20% sàn kinh doanh thương mại trong dự án nhà ở xã hội cũng khiến nhà đầu tư không mặn mà.

Đơn cử, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 4 dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng chưa đủ điều kiện để trình hồ sơ. Trong đó, có 2 dự án từ quỹ đất 20% nhà ở thương mại, nhưng 1 dự án chưa bàn giao đất về cho địa phương, 1 dự án đang chờ quy hoạch đô thị Dầu Giây và 2 dự án lấy đất cao su nhưng vị trí chưa thuận lợi để kêu gọi làm nhà ở công nhân, chung cư xã hội.

Hay như huyện Trảng Bom, hiện có 4 khu công nghiệp với 130.000 lao động. Do đó, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có 2.000 căn nhà ở xã hội - nhà ở công nhân và tới năm 2030 có 6.200 căn hộ. Hiện nay, toàn huyện có 5 dự án nhà ở xã hội đang mời gọi đầu tư với tổng diện tích 17ha.

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, khó khăn chung với các dự án nhà ở xã hội là pháp lý về đất đai, thủ tục và điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư. Vừa qua, Sở đã chủ trì cùng Sở Xây dựng họp hướng dẫn thủ tục liên quan đến hồ sơ đề xuất chủ trương và đôn đốc các địa phương sớm lập, trình hồ sơ theo quy định.

“Đối với một số dự án nhà ở xã hội muốn làm tại dự án nhà ở thương mại trước đây, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, bổ sung vốn và điều chỉnh thời hạn dự án”, ông Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Trong khi đó, trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư các dự án bất động sản ở tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu là nhà ở thương mại có giá bán vượt tầm với của nhiều lao động địa phương.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Kim Oanh đề xuất kế hoạch xây dựng các dự án nhà ở xã hội tại các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa. Đây là các dự án thành phần nhằm thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp của tập đoàn giai đoạn 2022-2028, định hướng đến 2030 với khoảng 27.000 căn hộ.

img-1756.jpg
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai mới hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 1.500 căn dành cho công nhân.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm giúp người lao động có thu nhập thấp được “an cư, lạc nghiệp” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho hay, tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhà ở công nhân - nhà ở xã hội chậm sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu giúp người dân sớm có nhà. Các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình thẩm định, trình duyệt hồ sơ; hỗ trợ địa phương trong quá trình đề xuất và thực hiện dự án.