Họa sĩ Trần Anh Tuấn: Mối lương duyên 30 năm với sơn mài
Họa sĩ Trần Anh Tuấn là một trong những nghệ sĩ Việt tham gia sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” - diễn ra tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản năm 2023. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, khoa Sơn mài, và cũng là người gắn bó với sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” suốt 10 năm qua.
Đối với anh, 3 thập niên sáng tạo với sơn mài chính là khoảng thời gian tìm tòi, khám phá để có thể tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về nghệ thuật hội họa riêng có của Việt Nam.
- Thưa họa sĩ Trần Anh Tuấn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa, con đường đến với sơn mài của anh có gì đáng nói?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thời cấp 3, tôi học ở Trường Việt Đức. Mỗi ngày đến trường tôi đều đi qua hồ Gươm. Trên con đường ấy, tôi luôn bị thu hút bởi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chạm khắc tỉ mỉ, các nét vẽ, kết hợp với mài tay thủ công, tạo nên một tác phẩm vừa có giá trị trang trí, trưng bày, vừa có giá trị sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Ông ngoại tôi là người Thuận Thành, Bắc Ninh - quê hương của tranh Đông Hồ. Tình yêu với nghệ thuật dân gian được nhen nhóm từ thuở nhỏ nên khi thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tôi quyết tâm theo học chuyên ngành sơn mài. Càng học tôi càng yêu sơn mài hơn và luôn cảm thấy những điều được thầy cô truyền dạy đúng với mong muốn, sở trường của mình. Chất liệu sơn mài vô cùng đặc biệt. Điều đó cũng hợp với suy nghĩ của tôi khi chọn học chuyên ngành này, đó là mình phải học cái gì mà người nước ngoài cần đến học mình. Bởi với sơn dầu hay màu nước, người nước ngoài đã đi trước chúng ta hàng mấy trăm năm.
- Trong chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”, anh vừa là người trực tiếp hướng dẫn làm đồ thủ công mỹ nghệ từ sơn mài với du khách, vừa giới thiệu sự độc đáo của nghệ thuật sơn mài Việt Nam?
- Với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tôi chọn lọc những mặt hàng đơn giản nhất, dễ làm nhất và đương nhiên cũng phải bắt mắt nhất. Tôi chọn những màu sắc nổi bật, dễ làm, vỏ trứng hay vỏ trai để gắn lên tranh cũng phải xử lý trước, để du khách, người dân địa phương vẫn có thể làm được, dù đó là lần đầu tiên tiếp xúc với sơn mài.
Để giới thiệu cho du khách cũng như những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi mang một bức tranh lớn gồm 5 tấm, vẽ hồ Hoàn Kiếm qua 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. Màu sắc chủ đạo là màu ấm, nóng, cộng thêm kỹ thuật dát bạc. Hình ảnh tháp Rùa, cầu Thê Húc cũng được phủ một màu sắc hoài niệm, thâm trầm, duyên dáng.
- Lựa chọn sơn mài là một đại diện của văn hóa Việt Nam để giới thiệu tới bạn bè thế giới, anh mong muốn sẽ truyền tải thông điệp gì?
- Nghệ thuật sơn ta truyền thống tính đến nay đã có tuổi đời hàng nghìn năm. Các di sản còn tồn tại đến ngày nay là các pho tượng thờ, hoành phi, câu đối, binh khí trong các đình, chùa, cung điện, nhà thờ gia tộc. Kế thừa từ nghệ thuật sơn ta, nghệ thuật sơn mài cũng đã có tuổi đời gần 100 năm. Nghệ thuật sơn mài Việt Nam hấp dẫn người thưởng lãm với màu sắc, chất liệu và sự tinh tế, kỹ càng, được sưu tầm, trưng bày tại nhiều bảo tàng lớn trong nước và quốc tế.
Ở các nước châu Á đều có sơn mài, mỗi nước có đặc điểm riêng. Ví dụ như sơn mài của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar thường đi vào những sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày như bát đĩa, khay, hộp, bình phong... Sơn mài Việt Nam cũng có những sản phẩm tương tự, nhưng chúng ta phát triển ở một khía cạnh khác, đó là đưa vào tranh nghệ thuật. Vì vậy, sơn mài khi đưa vào hội họa được ví như quốc họa của Việt Nam, tương tự như tranh thủy mặc với mực nho được xem là quốc họa của Trung Quốc. Những năm 1950, 1960, tranh sơn mài lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm ở các nước Đông Âu và được bạn bè quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Giới nghiên cứu khi đó đưa ra lời nhận xét rằng, màu đen của sơn mài sâu thẳm khác với màu sắc của những chất liệu khác, cùng với những chất liệu quý như vàng, bạc đã tạo nên những lớp lang về màu sắc đặc biệt cho tranh sơn mài. Có thể thấy, nghệ thuật sơn mài là một đại diện văn hóa, thể hiện sự sáng tạo của các thế hệ họa sĩ Việt Nam trong gần 100 năm qua. Tôi tin chắc rằng, khi chúng ta mang nghệ thuật sơn mài ra thế giới, mọi người sẽ cảm nhận được cái đẹp, cái hay của nó.
- Anh từng mở lớp dạy vẽ sơn mài dành cho người nước ngoài. Đây vừa là kênh thực hành, vừa là cơ hội để giới thiệu nghệ thuật sơn mài với bạn bè thế giới?
- Tôi từng dạy cho các học viên ở hơn 100 nước và nhờ đó, nghệ thuật sơn mài được các bạn lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội. Khi mở lớp dạy cho người nước ngoài, tôi có rất nhiều học viên thuộc nhiều quốc gia, từ những bạn nhỏ 4 - 5 tuổi đến những người 80 tuổi. Mỗi quốc gia có đặc trưng văn hóa và cách nhìn nghệ thuật khác nhau. Vì thế, khi dạy họ, tôi học hỏi thêm được nhiều điều từ họ. Chính điều đó làm cho tôi thêm trân trọng công việc của mình. Bên cạnh đó, khi sơn mài được mọi người đón nhận, yêu thích thì đó cũng chính là nguồn động lực để tôi tiếp tục làm nghề, quảng bá nghệ thuật sơn mài và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Trần Anh Tuấn!