Tránh hình thức trong đánh giá xã đạt chuẩn pháp luật
Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 06/01/2023
100% tỉnh, thành phố triển khai
Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) thông tin, ngay sau khi Quyết định số 25/2021/ QĐ-TTg ngày 22-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2022/ TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 100% tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ban hành văn bản triển khai. Nhiều địa phương như Long An, Cà Mau, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình… đã tập huấn cho các đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn...
Theo đó, các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định là công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm và thực hiện các quyền, lợi ích của người dân trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh tại cơ sở. Cùng với đó, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng như chuẩn đô thị văn minh. Các tiêu chí, chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật còn được bổ sung vào nội dung thành phần của bộ Tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội, nhận thức rõ việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước tại cơ sở, các cấp chính quyền đã thực hiện công tác này một cách tích cực và bài bản. Bắt đầu từ việc triển khai nhiều giải pháp bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật, xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, đến nay có 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành thủ tục công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 557/579 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện. Trong đó, nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt 100% như: Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Quốc Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai…
Phải là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập
Mặc dù vậy, bên cạnh những điểm sáng, qua kiểm tra của Bộ Tư pháp vẫn còn một số nơi chưa xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập. Thậm chí ở một số địa phương việc đánh giá tiếp cận pháp luật còn mang tính phong trào, sa vào hình thức để làm cơ sở xét nông thôn mới. Sự phối hợp giữa các ngành trong triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí và các điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa thường xuyên.
Ngay tại Hà Nội, vẫn còn một số quận, huyện có số xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ thấp như: Chương Mỹ (26/32 xã, thị trấn), Đan Phượng (15/16 xã, thị trấn), Hoài Đức (19/20 xã, thị trấn). Có xã, phường không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, các đơn vị không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phần lớn do có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên vì vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra. Ngoài ra, còn một số ít không đạt điểm số theo quy định.
Theo Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất là đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền cấp xã nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trên địa bàn. Vì vậy, đây là nhiệm vụ thường xuyên và phải tránh hình thức. Tuyệt đối không xem xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đạt nông thôn mới khi chưa đạt được các tiêu chí về tiếp cận pháp luật.
Cũng theo bà Ngô Quỳnh Hoa, về phía Bộ Tư pháp, đã tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật tại Long An với một số đại biểu phía Nam. Tiếp nối chủ đề này, Bộ sẽ tiếptục tổ chức hội thảo tại Hà Nội nhằm giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vấn đề, nội dung mà địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc. 5 đoàn kiểm tra chuyên đề cũng đã được thành lập, nhằm kịp thời giải đáp vướng mắc, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm, thống nhất nhận thức, phương pháp, cách làm trong đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm đúng yêu cầu, quy định, thực chất, tránh hình thức.