Góc nhìn

Học từ cuộc sống

Hoàng Lê 24/09/2023 - 07:01

Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn trong ngõ sâu trên phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chúng ta vẫn không ngừng nghĩ về những gì đã diễn ra.

Bày tỏ nỗi đau thương bằng hành động thiết thực hướng tới người đã khuất và gia đình họ, xem xét bài học về trật tự xây dựng, năng lực quản lý của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan nhằm tránh điều tương tự xảy ra trong tương lai. Vụ cháy này, không nghi ngờ gì nữa, là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nhận thức, trách nhiệm và hành động của người đang sống - từng người một trong số chúng ta.

Sau sự kiện gây bàng hoàng nói trên, qua các trang mạng xã hội, nhóm phụ huynh, nhóm cư dân ở các khu chung cư..., dễ thấy bên cạnh ý kiến chia sẻ thông tin, cảm xúc xót thương, tiếc nuối là mối quan tâm về điều kiện phòng cháy, chữa cháy ở khu vực mình đang sống, là câu hỏi và thông tin gợi mở cách thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ... Báo chí vào cuộc, giới thiệu cách phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, thậm chí lưu ý rằng ngay cả trẻ mầm non cũng cần phải sớm học cách xử lý tình huống khi có đám cháy... Nói chung, như thường thấy sau khi xảy ra một sự vụ gây hậu quả tang thương, sự chú ý dồn vào bài học cụ thể liên quan tới điều vừa diễn ra.

Nhưng, bài học từ đó không chỉ có thế. Thảm họa không chỉ có từ cháy nổ và điều cần học từ sớm không chỉ có kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm. Ngoài bài học về trách nhiệm công dân, trách nhiệm công vụ, trách nhiệm tuân thủ luật pháp thì còn có những điều cần lưu ý khác, đặc biệt là vấn đề về kỹ năng sống nói chung chứ không phải chỉ liên quan tới khả năng sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn. Những điều đó cần được rèn luyện từ bé, học suốt đời.

Đầu tuần này, khi dự sự kiện ủng hộ gia đình nạn nhân của vụ cháy, một đồng nghiệp nói với người viết rằng, có khả năng chúng ta đã trải qua hai thế hệ mà trẻ em ngày càng lệ thuộc vào người lớn. Một người khác, qua nhóm zalo của phụ huynh, cảm thán rằng “kỹ năng sống” của nhiều trẻ em thành phố giờ chỉ gói gọn trong việc ăn, học, ngủ. Chúng tới trường từ sáng sớm tới chiều muộn, “ngồi là chính, nghe là chủ đạo”, hiếm có ngày nghỉ cuối tuần trọn vẹn, thêm thời gian ngủ là gần trọn một ngày. Ít chơi, ít tập luyện đã đành, rất nhiều trẻ thành phố dường như quên việc nhà, không biết tự nấu ăn dù đã lớn, không có nhiều thời gian giao lưu với bạn bè, hàng xóm ở nơi mình sống. Những người bà, người mẹ ngồi bên trẻ lớp 2 - 3 trong hàng quà sáng, âu yếm xúc đồ ăn đưa lên miệng trẻ, lấy giấy ăn lau miệng cho con cháu. Trẻ lớp 6 - 7 vẫn không tự dậy vào buổi sáng để kịp giờ đi học; ra bàn ăn ngồi lờ đờ chờ người lớn mang bữa sáng tới tận bàn ăn... Bạn có thấy cảnh này trong nhà mình hoặc đâu đó xung quanh? Có thấy đó là điều nên tiếp tục?

Chỉ khi xác nhận và nghiêm túc đánh giá vô số điều “cỏn con” như đã kể trên, chúng ta mới có thể đề ra những quyết sách thiết thực, mới có thể nhận ra rằng mình đã sai ở đâu. Trẻ cần sớm được học kỹ năng sống, nhưng chúng học điều đó một cách hiệu quả ở đâu? Người lớn chúng ta, bằng cách yêu chiều và quan tâm bao bọc thái quá, liệu có phải là đang làm hại trẻ trong quá trình trưởng thành của chúng? Lý thuyết chỉ ra rằng cần tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện các loại kỹ năng hằng ngày, nhưng chúng lấy đâu ra thời gian cho việc này khi việc học chính khóa và vô số lớp học “tăng cường” - một kiểu “né học thêm” - đã lấy mất hầu như toàn bộ thời gian dành cho hoạt động sống trong ngày của trẻ? Cách học kỹ năng hiệu quả nhất là kết hợp học lý thuyết và thực hành, làm sao có được điều đó khi trong đa số tiết học trẻ luôn ở tư thế “ngồi nghiêm trang và mắt hướng lên trên”?...

Kỹ năng sống của công dân thể hiện qua cách ứng xử, cách tham gia giao thông, khả năng tự bảo vệ mình khi có sự cố, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm, ý thức tôn trọng người khác và tinh thần thượng tôn pháp luật, khả năng tự lập từ khi còn trẻ... Rất đa dạng, không thể kể hết được. Muốn có kỹ năng sống tốt thì phải học và thường xuyên được dạy những điều thiết thực ngay từ bé. Bởi vậy, với những gì đang diễn ra không được như mong muốn, đòi hỏi sự thay đổi ở cả nhà trường và gia đình. Trước tiên, vô cùng quan trọng, là hãy nghĩ cách cho lớp trẻ thêm thời gian để cuộc sống của các em không chỉ có việc học kiến thức trong nhà trường!