Kỹ năng sống

Cần trang bị kỹ năng phòng cháy cho trẻ em

Bảo Ngọc 24/09/2023 - 06:46

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ cháy, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng có nhiều nạn nhân là trẻ em. Qua đó cho thấy tầm quan trọng trong việc trang bị kỹ năng phòng cháy cho trẻ - những đối tượng dễ tổn thương nhất.

tre-1.jpg
Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn là vô cùng cần thiết. Ảnh: Vũ Minh

Dạy trẻ kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn

Trong các vụ hỏa hoạn, trẻ em thường là đối tượng có phản xạ kém, tâm lý hoảng hốt, sức khỏe yếu hơn nên việc trang bị cho các em những kỹ năng thoát hiểm hỏa hoạn tại các nhà cao tầng, chung cư là điều vô cùng cần thiết.

Tại nhiều lớp học, thông qua các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, giáo viên có thể lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy nhằm giúp trẻ tiếp nhận một cách nhẹ nhàng, thoải mái.

Bà Trương Bích Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Skill Edu cho biết, trẻ em luôn là đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất khi có hỏa hoạn. Ngoài sự giáo dục của nhà trường, phụ huynh cần dạy trẻ một số những kỹ năng có thể áp dụng cho trẻ khi có hỏa hoạn. Đầu tiên, cha mẹ cần chỉ cho bé những chỗ thoát hiểm khi cần trong gia đình và quanh nhà mình. Với những gia đình sống tại chung cư, cần dạy con cách thoát hiểm bằng cách sử dụng cầu thang bộ và sử dụng công cụ báo cháy tại tòa nhà.

Khi ngửi thấy có mùi khét và không có người lớn ở nhà thì cần phải báo cho những nhà bên cạnh giúp đỡ. Các con cũng cần nhớ số điện thoại của cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn là 114 để gọi ứng cứu.

Đối với trường hợp cháy từ bên ngoài, khói từ phòng khác bay sang, cần dạy trẻ nhỏ tuyệt đối không được mở cửa phòng, tránh khói bay vào gây ngạt khí - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Ngoài ra, cha mẹ cần phải hướng dẫn con cách sử dụng đồ điện trong nhà an toàn, tuyệt đối không được chơi đùa với những vật dụng dễ gây cháy nổ. Cha mẹ cần cho trẻ hiểu được sự nguy hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra.

Hỗ trợ tâm lý cho trẻ vượt qua cơn hoảng loạn

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, điều quan trọng nhất là người lớn cần dạy trẻ cách bình tĩnh trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, vì đây là lúc trẻ rất hoang mang lo sợ và tìm chỗ trú. Khi trẻ tìm chỗ ẩn nấp thì việc cơ quan chức năng tìm kiếm khó khăn hơn, mất thời gian và nguy hiểm.

Khi có khói bay ra, thay vì sợ hãi la hét, trẻ cần lấy khăn ẩm bịt lên miệng, mũi để giảm ngạt khói, khi di chuyển thì đi với tư thế khom hoặc hạ thấp người, bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra.

Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy giúp các con bình tĩnh khi gặp sự cố, hỏa hoạn, từ đó giảm nguy cơ thương vong, tổn hại về sức khỏe và tinh thần đối với trẻ em.

Sau vụ cháy "chung cư mini" ở phố Khương Hạ vừa qua, nhiều trẻ em tuy đã ổn định về sức khỏe nhưng vẫn còn hoảng loạn về tâm lý. Một số em có người thân trong gia đình đã mất, cũng có trường hợp chỉ còn một mình sống sót và điều đó khiến tinh thần trẻ suy sụp.

Để hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân là trẻ em sau vụ cháy, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết: "Sau vụ cháy, các em có thể chịu sang chấn tâm lý. Những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị sang chấn tâm lý là: Dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu; rối loạn giấc ngủ; cảm giác tội lỗi/ tự trách; tránh né mọi chi tiết gợi lại sự kiện; buồn bã; thu mình lại; cô độc; bất lực... Tình trạng này có thể diễn ra trong thời gian ngắn khoảng một tuần đến một tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn, thậm chí kéo dài cả đời. Do đó, cần đánh giá nguy cơ trong vòng 2 tuần sau thảm họa hoặc tai nạn xảy ra, khi nạn nhân đã được sơ cứu tâm lý và bình tâm để có cách tiếp cận hợp lý. Trường hợp trẻ có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần, cần chỉ dẫn bệnh nhân đến các dịch vụ trợ giúp phù hợp. Đối với trường hợp nặng, có nguy cơ tự sát, cần ngay lập tức chuyển trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để hỗ trợ cường độ cao”.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn, thảm họa cần phải được thực hiện một cách thận trọng: “Cần giúp nạn nhân trấn tĩnh trở lại cả về trí óc lẫn cơ thể bằng cách giữ giọng nói nhẹ nhàng và bình thản; cố gắng duy trì tiếp xúc mắt với nạn nhân; nhắc với nạn nhân rằng rất nhiều người đang ở bên cạnh để giúp họ được an toàn".