Giám đốc Chương trình môi trường Liên hợp quốc: “Tái chế nhựa là chưa đủ”
CNA ngày 23-9 dẫn lời Giám đốc Chương trình môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen cảnh báo, việc sản xuất nhựa ngày càng gia tăng trên toàn thế giới tạo ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, nhân loại không thể cứ tái chế để thoát khỏi tình trạng lộn xộn này, đồng thời, kêu gọi suy nghĩ lại về cách thế giới sử dụng nhựa.
Trả lời phỏng vấn AFP bên lề Đại hội đồng ở New York, bà Inger Andersen, cho biết: “Có nhiều cách khác nhau trên con đường tìm kiếm giải pháp. Nhưng tôi nghĩ mọi người đều nhận ra rằng hiện trạng không phải là một lựa chọn”. Phát biểu của bà Andersen đưa ra sau hai tuần công bố dự thảo đầu tiên của hiệp ước quốc tế tương lai về ô nhiễm nhựa, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2024.
Văn kiện phản ánh nhiều tham vọng của 175 quốc gia liên quan, đặc biệt là khoảng cách giữa những người ủng hộ việc giảm sản xuất polyme thô và những người kiên quyết tái sử dụng và tái chế. Sản lượng nhựa hàng năm đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua, đạt 460 triệu tấn và có thể tăng gấp ba vào năm 2060 nếu tình trạng hiện tại không thay đổi.
Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 9% nhựa được tái chế. Chất thải nhựa đủ kích cỡ được tìm thấy ở đáy đại dương, trong dạ dày chim và trên đỉnh núi, trong khi hạt vi nhựa được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai. “Nếu chúng ta tiếp tục bơm vào nền kinh tế tất cả loại polymer thô mới này, thì không có cách nào có thể ngăn chặn dòng nhựa chảy vào đại dương”, bà Inger Andersen nhận định.
Hiệp ước tương lai về ô nhiễm nhựa sẽ bổ sung cho kho vũ khí toàn cầu để bảo vệ đại dương, bao gồm cả hiệp ước lịch sử mới nhằm bảo vệ biển cả được khoảng 70 quốc gia ký kết trong tuần này.