Giao thông

Hiệu quả từ việc triển khai kế hoạch kiểm tra giao thông chéo tuyến, chéo địa bàn

Chu Dũng 23/09/2023 07:30

Trong đêm 22 và rạng sáng 23-9, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã đồng loạt triển khai kế hoạch kiểm tra giao thông chéo tuyến, chéo địa bàn, tập trung vào xử lý các lỗi vi phạm nồng độ cồn, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm và các vi phạm giao thông khác.

Kế hoạch triển khai vào khung giờ từ 22h ngày hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau, thời điểm chỉ có các tổ công tác 141/Công an thành phố, Cảnh sát cơ động công khai cắm chốt và tuần tra trên đường.

Thực hiện theo kế hoạch, Đội Cảnh sát giao thông số 9, Phòng Cảnh sát giao thông phụ trách tuyến quốc lộ 32 qua các huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Ba Vì, thị xã Sơn Tây làm nhiệm vụ tại địa bàn hai quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Trong quá trình triển khai kế hoạch, vào khoảng 0h9 ngày 23-9, trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, tổ công tác phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 30H-186.xx để logo xe tác nghiệp, Truyền hình Việt - Đức có dấu hiệu bất thường đã tiến hành kiểm tra.

Thay vì chấp hành yêu cầu thổi nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện còn đưa ra thẻ bằng nhựa in chữ thẻ công tác mang tên N.T.L (sinh năm 1983; phóng viên Tạp chí điện tử Việt - Đức) với mục đích lợi dụng danh nghĩa phóng viên để mong bỏ qua vi phạm.

381323577_686393890088212_4529892674667301686_n.jpeg
Người dân sẵn sàng phối hợp ghi nhận trường hợp giả danh báo chí.

Trước thái độ bất tuân pháp luật của tài xế N.T.L, người dân chứng kiến đã chủ động ghi hình và sẵn sàng phối hợp với tổ công tác làm nhân chứng ghi nhận vụ việc. Xác minh nhanh từ phía cơ quan báo chí, tổ công tác làm rõ, thẻ công tác mà tài xế N.T.L đưa ra sai về mẫu mã, kích thước, chuẩn mực của thẻ nhà báo và thẻ Hội viên Hội Nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phát hành cho người làm việc trong lĩnh vực báo chí.

Thẻ mà tài xế N.T.L sử dụng là thẻ “tự sướng”, tự biên, tự diễn, lợi dụng danh nghĩa những người làm báo… Với lỗi vi phạm không chấp hành đo nồng độ cồn, tài xế bị xử phạt tương đương vi phạm kịch khung, cùng với các mức vi phạm không xuất trình giấy phép lái xe, giấy tờ xe… tổng vi phạm có thể lên tới hơn 40 triệu đồng.

Cùng thời gian trên, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 7 phụ trách tuyến địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm được giao nhiệm vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn “khủng” cao gần và vượt mức kịch khung.

Đó là trường hợp ông N.H.H (sinh năm 1968; ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do nghĩ rằng thời điểm sau 22h, Cảnh sát giao thông không còn tuần tra, cắm chốt nên ông uống nhiều rượu, bia trong liên hoan sinh nhật cháu rồi điều khiển xe máy về nhà. Kết quả vi phạm nồng độ cồn của ông N.H.H là 0,386mlg/lít khí thở sát với mức vi phạm kịch khung (0,4mlg/lít khí thở).

381309072_628466179403645_4005625854220348747_n.jpeg
Kiểm tra một trường hợp điều khiển ô tô trên quận Hoàn Kiếm.

Còn trường hợp anh Đ.T.S (sinh năm 1986; ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển xe máy biển kiểm soát 17N6-5790 khi kiểm tra đã cho kết quả 0,845mlg/lít khí thở, gấp đôi vi phạm kịch khung. Anh Đ.T.S sau một hồi thể hiện “mất bình tĩnh” đã bỏ đi, chỉ ký vào giấy xác nhận kết quả đo nồng độ cồn và không ký vào biên bản vi phạm hành chính. Kết quả đo nồng độ cồn của tài xế Đ.T.S cũng được xác định là cao nhất trong ca công tác đầu tiên thực hiện kế hoạch kiểm tra giao thông chéo tuyến, chéo địa bàn.

381316270_1242299109800446_1956679405933694378_n.jpeg
Tài xế Đ.T.S vi phạm mức gấp đôi kịch khung.

Trực tiếp làm nhiệm vụ, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, nhiều người tham gia giao thông vẫn nghĩ sau 22h, Cảnh sát giao thông không còn cắm chốt tuần tra, kiểm soát tình hình giao thông nên vẫn vi phạm. Họ chọn các tuyến đường tránh các tổ công tác 141/Công an thành phố cắm chốt công khai để di chuyển. Quá trình làm nhiệm vụ cho thấy, vẫn còn tâm lý cả nể đi ăn tiệc, liên hoan gặp gỡ bạn bè để vi phạm uống rượu, bia quá chén điều khiển phương tiện.

381235418_350264194097135_6683875895583215822_n.jpeg
Triển khai tổ công tác khép kín địa bàn.

Ghi nhận, vào thời điểm tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 7 làm nhiệm vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tại phố Trần Hưng Đạo, gần cổng Bệnh viện trung ương Quân đội 108, khu vực giáp ranh quận Hoàn Kiếm với quận Hai Bà Trưng tập trung nhiều thanh, thiếu niên và người dân đứng xem tổ công tác 141/Công an thành phố làm nhiệm vụ. Không chỉ có vậy, những người dân hiếu kỳ này còn thiếu ý thức công dân và trách nhiệm khi liên tục thông báo cho người vi phạm quay đầu xe.

Hậu quả, thanh niên D.C.K (sinh năm 2003; ở tổ 12, phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29K1-989.xx không đội mũ bảo hiểm, nghe lời xúi bẩy quay đầu xe đã va chạm với 2 vợ chồng đang dắt nhau qua đường, hậu quả làm người chồng bị hất văng lên cao, ngã xuống đường trọng thương. Lái xe D.C.K đã bị người đi đường giữ lại và đánh hội đồng, rất may tổ công tác làm nhiệm vụ cách đó khoảng 70m đã can thiệp kịp thời, ngăn đám đông quá khích hành hung D.C.K và bàn giao vụ việc cho Công an phường sở tại.

381319570_981158476497419_4340266464868513070_n.jpeg
Hiện trường vụ tai nạn trên phố Trần Hưng Đạo.

Từ thực tế, nhiều người dân hiếu kỳ tập trung 2 bên đường xem tổ công tác 141/Công an thành phố làm nhiệm vụ trên các tuyến phố trung tâm, Phòng Cảnh sát giao thông đã đề xuất Công an quận chỉ đạo công an các phường sở tại tiến hành cắm chốt giải tán hàng quán, giải tán đám đông khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Trong vòng 24h qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 921 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 163 phương tiện, 290 bộ giấy tờ, tước 107 giấy phép lái xe. Xử lý 15 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy.

381025693_1661282364282608_147551496597086469_n.jpeg
Nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, tổ chức triển khai kế hoạch bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ chéo tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhằm đánh giá lại, nâng cao hiệu quả công tác bố trí lực lượng, tập trung xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhất là các hành vi vi phạm “nổi cộm”.

381291525_1138513210887214_640178843157416930_n.jpeg
Tập trung xử lý các hành vi nổi cộm.

Để thực hiện có hiệu quả, các đơn vị phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin; bố trí lực lượng bảo đảm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của ngành; bảo đảm thông suốt, an toàn trong mọi tình huống, chủ động phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT.

Việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chéo tuyến, địa bàn phải có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, hạn chế, ngăn chặn được các hành vi vi phạm “nổi cộm”, “phổ biến” diễn ra trên địa bàn, qua đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của nhân dân cũng như người điều khiển và chủ phương tiện. Chủ động phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; hướng dẫn tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, góp phần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô.