Đa dạng hóa loại hình nông nghiệp, gìn giữ và phát triển làng nghề
Ngày 22-9, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) phối hợp UBND huyện Thường Tín tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” chủ trì hội thảo.
Nông nghiệp Hà Nội có nhiều điểm nghẽn
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nêu rõ: Chương trình số 07-Ctr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025. Trong đó, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% (hiện theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đạt khoảng 40%); tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, trong đó ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Hội thảo được tổ chức nằm trong Đề án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến, tập huấn kiến thức về khoa học, công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Đề án 30 của Chương trình số 07-Ctr/TU) nhằm tìm ra những giải pháp, mô hình và đề xuất những cơ chế, chính sách thực hiện chỉ tiêu đề ra.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-Ctr/TU Nguyễn Văn Phong nêu rõ: Các chỉ tiêu Chương trình số 07-Ctr/TU đề ra về tăng năng suất lao động, về phát triển kinh tế số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao… đều phải dựa trên khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã phân tích, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của nông nghiệp của Hà Nội. Theo đó, nông nghiệp của Hà Nội đang hội tụ tất cả những điểm nghẽn của nền nông nghiệp Việt Nam nhưng gay gắt hơn nhiều. Sản xuất chủ yếu ở quy mô hộ, manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp của Thủ đô và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm. Khâu yếu nhất là chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất nhiều, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao. Cùng với đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn...
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, Hà Nội phải đa dạng hóa các loại hình nông nghiệp (nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn…), tập trung gìn giữ và phát triển làng nghề. Đặc biệt, cần làm tốt việc xây dựng thể chế và chính sách.
Nhiều trăn trở, khuyến nghị
Chia sẻ về những trăn trở trong việc tìm giải pháp đưa chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất rau công nghệ cao của đơn vị, bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà cho biết: Đến nay, đơn vị vẫn chưa tìm được giải pháp chuyển đổi số phù hợp vì thiếu thông tin và kiến thức, cũng như khó khăn về tài chính, nhân lực. Đặc biệt, sản xuất rau sạch là hoạt động phức tạp và đan xen nhiều yếu tố (như xen canh, gối vụ)… nên đòi hỏi các phần mềm số phải có sự tùy chỉnh linh hoạt và dễ dàng. Đơn vị mong các doanh nghiệp số cung cấp những phần mềm đáp ứng được sự đòi hỏi linh hoạt này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ rau của các HTX với quy mô nhỏ như Chúc Sơn là thực sự cần thiết và tạo được bước đột phá trong nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất rau. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức, như chuyển đổi nhận thức cho cả hệ thống quản lý và người nông dân, trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế và hệ thống thông tin, mạng còn chưa đồng bộ, nguồn vốn vẫn còn khó khăn.
Ông Hoàng Văn Thám mong UBND thành phố Hà Nội sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nhất là điều 13 về chính sách hỗ trợ máy móc thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Thám cũng mong các quỹ của thành phố ưu tiên các HTX, cá nhân vay vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.
Theo bà Hường Bích - Giám đốc HTX Đan Hoài, cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tiếp thu những công nghệ mới, hiệu quả của nước ngoài.
Tại hội thảo, ông Kayano Naoki, cố vấn trưởng Dự án JICA “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc” đã trình bày về ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản và nêu một số khuyến nghị cho Hà Nội. Đại diện Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trình bày về ứng dụng nhà kính, nhà lưới thông minh trong sản xuất hoa và rau tại Hà Nội cũng như về công nghệ 4.0 trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiếu sáng đường phố thông minh...
Trước đó, trong khuôn khổ của chương trình, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các đại biểu đã thăm Văn Từ Thượng Phúc, nơi thờ phụng và tôn vinh các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín.