Ngăn chặn hệ lụy
Thời gian qua, có tình trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần. Mặc dù, đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho người lao động, khiến nước ta không thể thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, đã có gần 5 triệu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Nguyên nhân là do đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Nhiều công nhân cho biết, sau khi nghỉ việc, điều đầu tiên là họ nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, sau đó nghĩ đến việc đi vay bảo đảm cuộc sống. Giữa việc đi vay và nhận bảo hiểm xã hội một lần thì họ thường chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần…
Nhằm giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội, ngày 20-9 vừa qua, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo Tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau... Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc sửa luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người tham gia, từ đó thu hút, khuyến khích người lao động vào hệ thống an sinh, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do đó, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phải khẳng định, bảo hiểm xã hội là quyền lợi của người lao động. Để làm dịu “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần, trước mắt Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ hơn về những thiệt thòi, khi rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là tự tước đi quyền an sinh cơ bản. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội, đặc biệt có các chính sách hỗ trợ cho người lao động một khoản tài chính tạm thời, trợ cấp để giải quyết trong những hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, phải nghiên cứu thấu đáo, tiếp tục lấy ý kiến các nhà khoa học, tham vấn công chúng, đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động để tìm ra giải pháp khả thi, tốt nhất cho chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần. “Kim chỉ nam” cho việc xây dựng chính sách là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, theo hướng khuyến khích những người tiếp tục bảo lưu và thực hiện bảo hiểm xã hội, giảm chính sách đối với những người rút một lần; qua đó ngăn chặn hệ lụy từ việc người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần...