Đô thị

Có giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được kinh doanh: Doanh nghiệp lĩnh hậu quả

Tuấn Lương 21/09/2023 - 07:12

Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tĩnh và trung chuyển hàng hóa nằm ngoài Vành đai 3 đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư - Công ty Vạn Thuận triển khai đúng theo giấy chứng nhận, bảo đảm quy hoạch nhưng hoạt động không hiệu quả, hoang phí đất đai. Trong khi đó, cả bãi trung chuyển hàng hóa trái phép giữa lòng đường ngay phía trước dự án lại đang hoạt động khá nhộn nhịp. Vì đâu nên nỗi?

baixe.jpg
Bãi đỗ xe và trung chuyển hàng hóa của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận. Ảnh: Tuấn Khải

Lòng đường bị chiếm dụng, bãi quy hoạch... để không

Từ nhiều tháng nay, suốt chiều dài gần 2km dọc hai bên Đại lộ Chu Văn An (từ điểm giao với đường Nguyễn Xiển - Vành đai 3 cho tới gần điểm cuối giao với đường Cầu Bươu) xuất hiện hàng trăm xe tải các loại chiếm dụng lòng đường làm nơi trung chuyển hàng hóa khiến giao thông khu vực này trở nên lộn xộn, bát nháo.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hằng ngày, hàng loạt xe tải xuất hiện từ khoảng 10h trở đi để chờ bốc xếp hàng hóa. Nhiều tấm biển tạm bợ được dựng lên dọc hai bên tuyến đường hoặc treo luôn trên xe ghi tên nhà xe và tuyến vận chuyển hàng hóa. Đơn cử như nhà xe Nam Phong nhận vận chuyển hàng hóa đi Hải Dương và các huyện trực thuộc; nhà xe Cường Thủy nhận vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh Yên Bái, Lào Cai; nhà xe Hải Linh nhận vận chuyển hàng hóa đi Việt Trì (Phú Thọ); nhà xe Trường Phát vận chuyển hàng hóa đi Thái Bình…

“Các nhà xe xuất hiện ở đây từ lâu, ngày nào cũng hàng trăm xe tải xếp hàng chờ bốc xếp hàng hóa. Hai làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ bị chiếm dụng, biển cấm đỗ xe có cũng như không. Thế nhưng hiếm khi thấy lực lượng chức năng giải tỏa, xử lý vi phạm, trả lại đường thông hè thoáng cho người dân đi lại”, chị Trần Phương Linh (Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Trong khi lòng đường bị chiếm dụng trái phép và biến thành nơi trung chuyển hàng hóa, dự án điểm trung chuyển hàng hóa và bãi đỗ xe tĩnh, rộng hơn 29.100m2 cũng nằm trên Đại lộ Chu Văn An (địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận (Công ty Vạn Thuận), đã được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư vào ngày 19-4-2011, đã hoàn thiện đầy đủ hạ tầng… lại hoạt động hiu hắt. Quy mô bãi đỗ xe theo thiết kế là 1.100 xe nhưng hiện mới vận hành chưa đến 10% công suất. Nhiều khu vực để trống trong khi nhân viên vẫn phải quét dọn vệ sinh hằng ngày.

Đề xuất hợp lý để gỡ khó kịp thời

“Lãng phí và bất cập! Đất đai bỏ không, nhà đầu tư khó khăn, trong khi hoạt động chiếm dụng lòng đường để trung chuyển hàng hóa như vậy vừa khó kiểm soát, gây thất thu thuế cho Nhà nước và mất trật tự an toàn giao thông”, Tổng Giám đốc Công ty Vạn Thuận Đào Việt Hùng thốt lên khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Ông Đào Việt Hùng chia sẻ thêm, điểm “trung chuyển hàng hóa” và “đỗ xe tĩnh” này được Công ty triển khai đúng mục đích đầu tư tính đến ngày 15-7-2020. Tuy nhiên, kể từ ngày 15-7-2020, khi Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (thay thế Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7-11-2014 của Bộ Giao thông - Vận tải) có hiệu lực, quá trình triển khai đã gặp khó khăn.

Điều 55 của Thông tư số 12/2020/ TT-BGTVT quy định: “Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa”. Trước đây, Thông tư số 63/2014/ TT-BGTVT chỉ quy định “không được sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách”, đồng thời Luật Giao thông đường bộ cũng chưa có quy định về trung chuyển hàng hóa.

Để tháo gỡ khó khăn, Công ty Vạn Thuận đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội xin được sử dụng một phần diện tích bãi đỗ xe (phần chưa sử dụng hết công suất khoảng 4.000m2, chiếm 13,8% tổng diện tích đất của dự án) để khai thác tạm hoạt động trung chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, Vạn Thuận cam kết 3 nội dung. Thứ nhất, không xây dựng công trình kho lưu giữ hàng hóa, không thu phí bốc xếp. Thứ hai, ưu tiên và bố trí đủ diện tích cho dịch vụ đỗ xe tĩnh theo nhu cầu của người dân tại khu vực. Khi nhu cầu đỗ xe tĩnh tăng cao, công ty cam kết sẽ chuyển trả lại chức năng đỗ xe hoặc báo cáo thành phố bổ sung công trình đỗ xe cao tầng. Thứ ba, dừng hoạt động vô điều kiện khi có văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho rằng, việc nhà đầu tư đề xuất được sử dụng một phần diện tích bãi đỗ xe (khi không sử dụng hết công suất) để phục vụ trung chuyển hàng hóa tạm thời, kèm theo ba cam kết như đã nêu trên là hợp lý. Đề xuất hợp lý này sẽ đáp ứng nhu cầu của khu vực cũng như thực hiện mục tiêu ban đầu theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (nội dung này cũng đã được Công an thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ). Sở cũng đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải đối với đề xuất của Công ty Vạn Thuận.

Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải vẫn khẳng định: “Tại bãi đỗ xe không có hoạt động trung chuyển hàng hóa và yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 55, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT”.

“Về quan điểm, Sở Giao thông - Vận tải đồng tình thống nhất với đề xuất của Công ty Vạn Thuận để tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp; sử dụng có hiệu quả khu đất dự án, đáp ứng nhu cầu của khu vực. Việc vướng mắc khi triển khai là vấn đề tồn tại trong thực tiễn chuyển tiếp thực hiện Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT nên cần được xem xét tháo gỡ”, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long khẳng định.

Từ quan điểm này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét sửa đổi, điều chỉnh Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, bổ sung điều khoản chuyển tiếp: “Các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư trước ngày Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT có hiệu lực thì thực hiện theo chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan tại thời điểm phê duyệt”.

Trong khi chờ rà soát, điều chỉnh Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất chủ trương khai thác tạm một phần diện tích bãi đỗ xe để thực hiện trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận làm cơ sở cho UBND thành phố Hà Nội quyết định theo thẩm quyền.

UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty Vạn Thuận báo cáo rõ về tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng; làm rõ về nội dung đề xuất trung chuyển hàng hóa; vị trí, quy mô diện tích, tổ chức giao thông, phương thức hoạt động, thời gian thực hiện.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông - Vận tải căn cứ quy định pháp luật, Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tiến hành rà soát, báo cáo làm rõ về quy định của pháp luật đối với hoạt động trung chuyển hàng hóa (dịch vụ thu gom, dịch vụ chuyển tải); đề xuất cụ thể về hình thức thực hiện (thí điểm hoặc thực hiện tạm thời), thời gian thực hiện (trong khoảng từ 2 đến 3 năm); trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp cần thiết, đối với nội dung vượt thẩm quyền hoặc chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, chủ động có văn bản xin ý kiến Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn thực hiện theo quy định; đề xuất, báo cáo tham mưu cho UBND thành phố xem xét, chỉ đạo thực hiện.