Kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU:Kết quả đạt được hết sức khiêm tốn
Chiều 20-9, Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã chủ trì buổi kiểm tra tại các đơn vị: Quận ủy Đống Đa, Huyện ủy Thường Tín, Sở Thông tin và Truyền thông.
Đoàn đã kiểm tra việc triển khai, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025” (Chương trình số 07-CTr/TU). Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU Nguyễn Doãn Toản cùng dự.
Tiến độ triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường cho biết, ngay sau khi Thành ủy ban hành Chương trình 07/CTr-TU, Quận ủy đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp thực hiện chỉ tiêu Chương trình. Căn cứ chỉ tiêu Chương trình 07/CTr-TU (ngoài 5 chỉ tiêu quận đề ra để thực hiện) quận đã phối hợp cùng các Sở, ban, ngành thành phố triển khai thực hiện 7 chỉ tiêu, 16 nhiệm vụ Chương trình 07-CTr/TU trên địa bàn; bảo đảm 100% hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được thành phố giao.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, công tác nghiên cứu, sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp công tác, hoạt động duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã được triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ.
Tại huyện Thường Tín, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tạ Hữu Thọ cũng đã cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU tại huyện bước đầu có những chuyển biến tích cực. Khoa học và công nghệ đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, như: Nông nghiệp, giáo dục đào tạo, thông tin, truyền thông, y tế, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường... mang lại những chuyển biến, hiệu quả tích cực trong hoạt động nghiên cứu, quản lý, sản xuất và kinh doanh. Qua đó góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao chỉ số cải cách hành chính của huyện.
Đặc biệt, đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sức mạnh của khoa học và công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, Sở đã phân công thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 11-8-2021 và chủ động đôn đốc, rà soát tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Sở Thông tin và Truyền thông được giao 3 nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ trùng và 2 nhiệm vụ được tái cấu trúc lại.
Liên quan đến nhiệm vụ xây dựng Đề án “Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đang thực hiện các bước theo quy định. Theo lãnh đạo Sở, do các chủ trương, định hướng, các nhiệm vụ về chuyển đổi số đều mới, khối lượng công việc lớn... mà nguồn nhân lực công nghệ thông tin của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tại các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã còn thiếu, đặc biệt tại khối xã chưa có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, nên đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ...
Cần có cách làm khoa học, hiệu quả
Tại các đơn vị kiểm tra, các thành viên đoàn kiểm tra đã nêu ý kiến về các nội dung đã được Quận ủy Đống Đa, Huyện ủy Thường Tín, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tại Chương trình 07/CTr-TU trong thời gian qua; chỉ ra những kết quả cũng như các vấn đề cần tăng cường sáng kiến, giải pháp từ nay đến cuối giai đoạn 2021-2025, nhằm đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về đích đúng hạn.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 07-Ctr/TU Nguyễn Văn Phong, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên Thành ủy Hà Nội ban hành một chương trình riêng về khoa học và công nghệ, cho thấy thành phố quan tâm đến lĩnh vực quan trọng này. Tuy nhiên, qua buổi kiểm tra thấy có nhiều vấn đề hạn chế trong quá trình triển khai. Kết quả đạt được hết sức khiêm tốn. Trong 5 mục tiêu và 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể của Chương trình số 07-Ctr/TU, qua báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ và báo cáo của các đơn vị thì thấy rằng sẽ khó đạt được chỉ tiêu.
Hạn chế lớn nhất, theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, là do nhận thức và cách tiếp cận với chương trình này. Do đây là chương trình mới nên cấp ủy các cấp khi tiếp cận chưa xác định đây là nhiệm vụ mình phải lãnh đạo. Nhận thức chưa tới nên các đơn vị không xác định được nhu cầu và những vấn đề phải thực hiện dựa trên khoa học và công nghệ.
Nhấn mạnh đây là chương trình khó, cần có cách làm khoa học, hiệu quả, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị được kiểm tra xây dựng lại báo cáo, bám sát vào nội dung Chương trình số 07-Ctr/TU, trong đó nêu rõ mục tiêu nào đã làm được, mục tiêu nào chưa làm được. Có số liệu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng được các mục tiêu của chương trình.
“Chương trình số 07-Ctr/TU chưa đi vào thực tiễn, mới dừng lại ở cấp thành phố và một số cơ sở nghiên cứu. Thời gian tới, sẽ không giảm chỉ tiêu và các đơn vị phải đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Khối huyện tập trung vào làng nghề và nông nghiệp công nghệ cao; khối quận, sở tập trung vào chuyển đổi số. Các quận, huyện rà soát lại, xác định điểm nghẽn, những vấn đề trong quá trình phát triển mà thấy rằng cần phải giải quyết bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số thì chủ động làm việc với các sở, ngành, tận dụng, gắn kết với các trường đại học trên địa bàn để thực hiện. Các sở, ngành cũng phải chủ động làm việc với cơ sở”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan trường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-Ctr/TU tham mưu cho thành phố những bất cập trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp... để bàn cách tháo gỡ. Đồng chí cũng yêu cầu Sở nghiên cứu đề xuất với thành phố thực hiện việc xếp hạng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ở các quận, huyện hằng năm để đẩy mạnh phong trào thi đua.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu cơ quan thường trực tổng hợp, báo cáo thành phố để xem xét, chỉ đạo, để có giải pháp giải quyết kịp thời.