Chính trị

Thành ủy Hà Nội ra chỉ thị nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm tăng cường phòng cháy, chữa cháy trên toàn thành phố

HNMO 20/09/2023 - 18:28

Ngày 20-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả.

HNMO trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị quan trọng này:

CHỈ THỊ

Về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác

phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn

thành phố Hà Nội trong tình hình mới

Trong thời gian qua, quán triệt và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), như: Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội ngày 27-11-2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, Luật Phòng cháy, chữa cháy…

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các lực lượng chức năng của thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp... đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về PCCC được đầu tư, song chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về PCCC và CNCH có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều yếu kém, còn phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để phòng ngừa sai phạm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan; kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH còn hạn chế.

Từ tình hình trên, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác PCCC và CNCH, đồng thời, để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ xảy ra; đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản của nhân dân, của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Quán triệt quan điểm trong công tác PCCC và CNCH: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH.

2. Thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác PCCC và CNCH đảm bảo thực chất, toàn diện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: Các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, khu nhà trọ, trường mầm non, các cơ sở kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp, rừng...; coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác PCCC và CNCH.

3. Đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; ý thức tự trang bị hệ thống PCCC và CNCH trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình, nhất là các thiết bị báo cháy, dụng cụ thoát hiểm, mặt nạ phòng độc, cửa thoát hiểm đến từng hộ gia đình, cá nhân...; tập huấn thường xuyên về các kỹ năng thoát nạn cơ bản, hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự cố xảy ra.

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, như: “Dân vận khéo” trong PCCC ở khu dân cư…; lồng ghép việc phổ biến, học tập kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học trên địa bàn thành phố; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.

4. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động. Công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên cảnh báo cộng đồng, dân cư xung quanh biết; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

5. Thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ“chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Tiếp tục rà soát quy chế phối hợp giữa lực lượng cơ sở PCCC với các ngành, các cấp. Phát huy trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc hướng dẫn thực hiện công tác PCCC và CNCH và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là lực lượng nòng cốt tham mưu, triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng Công an và Quân đội trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo cháy nhanh, số hóa hồ sơ quản lý địa bàn, cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý kịp thời khi cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Tăng cường công tác huấn luyện về nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”.

6. Tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho công tác PCCC; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…); nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; mua sắm phương tiện PCCC và CNCH (phù hợp với điều kiện của đô thị Hà Nội).

7. Thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố.

8. Tổ chức thực hiện.

8.1. Đảng đoàn HĐND thành phố lãnh đạo việc cụ thể hóa các chỉ đạo của Thành ủy để ban hành các nghị quyết của HĐND thành phố về các biện pháp, cơ chế, chính sách, dành nguồn lực đảm bảo công tác PCCC và CNCH của thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Nghị quyết của HĐND thành phố về công tác PCCC và CNCH.

8.2. Ban Cán sự đảng UBND thành phố:

- Chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác PCCC. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng, thiết kế, nghiệm thu về PCCC và trong suốt quá trình khai thác, sử dụng các dự án, công trình...; cần khắc phục triệt để ngay những hạn chế, vướng mắc dẫn đến tồn tại các vi phạm nhất là ở những địa bàn, cơ sở trọng điểm. Tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà cho thuê trọ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng, PCCC theo Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 13-9-2023 của UBND thành phố.

- Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra để xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị và cá nhân; xử lý nghiêm và kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC và CNCH. Nghiên cứu xây dựng các chế tài xử lý dứt điểm và quy trình cưỡng chế đối với các trường hợp không đủ điều kiện đảm bảo công tác PCCC, cố tình vi phạm kéo dài; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quyết định xử lý vi phạm hành chính về PCCC; thực hiện công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy định về PCCC, đặc biệt là các khu đô thị và nhà chung cư cao tầng; kiên quyết không chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư mới đối với các nhà đầu tư chưa khắc phục xong các vi phạm về phòng, chống cháy, nổ và CNCH tại các dự án cũ; định kỳ hằng quý, tổng hợp báo cáo kết quả, tình hình, việc thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô; đồng thời, chủ động đề xuất biện pháp quản lý, ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra trên địa bàn theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo việc xây dựng các phương án xử lý sự cố cháy, nổ, CNCH ở từng khu dân cư; tổ chức tập huấn, diễn tập xử lý các tình huống cháy, nổ, trong đó, quan tâm đến các địa bàn dân cư còn khó khăn về giao thông, di chuyển khi lực lượng chức năng tiếp cận để chữa cháy và CNCH...

- Khẩn trương nghiên cứu để xây dựng cơ chế chính sách về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố.

- Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo thẩm quyền, trong đó, nhằm khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém trong công tác PCCC trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.

8.3. Cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, “buông lỏng” trong quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC và CNCH và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì Thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật.

8.4. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và CNCH.

8.5. Các ngành nội chính, tư pháp thành phố: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân... căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương điều tra, kết luận, xử lý trách nhiệm (truy tố, xét xử...) những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế, phân công, phân cấp trách nhiệm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế theo hướng tăng mức xử phạt và các chế tài xử lý đảm bảo nghiêm minh và tính răn đe, giáo dục cao.

8.6. Các ban đảng và Văn phòng Thành ủy, căn cứ theo chức năng nhiệm vụ tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, đôn đốc thực hiện Chỉ thị.

8.7. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông, báo, đài Hà Nội tăng thời lượng, khung giờ phát sóng, các phóng sự, chuyên đề về phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ thông về PCCC và CNCH vào các khung giờ khán giả dễ theo dõi; tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

8.8. Ban Nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; định kỳ đánh giá tình hình kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 31-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy và được phổ biến đến chi bộ.