Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội: Nơi gửi gắm niềm tin
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội (đóng tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Trọng Dũng cho biết, cơ sở luôn lấy học viên làm đối tượng trung tâm để tổ chức các hoạt động, lấy hiệu quả điều trị cai nghiện làm mục tiêu hướng đến. Nhờ đó, đơn vị trở thành nơi gửi gắm niềm tin của nhiều gia đình có thành viên vướng vào ma túy.
- Là cơ sở duy nhất trong hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiến hành điều trị cai nghiện cho 100% học viên có nhu cầu cai nghiện tự nguyện, ông có thể cho biết rõ hơn hoạt động của mô hình này?
- Khác với các cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện đa chức năng, 100% học viên của Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội là những người điều trị cai nghiện tự nguyện. Thời gian điều trị cai nghiện tự nguyện thường ngắn hơn so với cai nghiện bắt buộc, tối thiểu là 6 tháng, tối đa là 12 tháng.
Khi đến đây, tất cả học viên được điều trị cai nghiện, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp, giáo dục về hành vi, nhân cách, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… Chúng tôi luôn tạo không khí thoải mái, môi trường thân thiện, tác phong chuyên nghiệp để học viên hướng đến những điều tích cực, nỗ lực điều trị. Học viên được tạo điều kiện thuận lợi để gặp gia đình, người thân. Nếu là vợ đến thăm, học viên được sử dụng phòng “hạnh phúc” tại cơ sở.
- Việc xây dựng môi trường cởi mở mang lại nhiều lợi ích cho học viên, nhưng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ thẩm lậu ma túy vào bên trong. Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội phòng ngừa nguy cơ này ra sao, thưa ông?
- Về đối tượng đến thăm, ngoại trừ bố, mẹ, thì những trường hợp khác phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với học viên, ví dụ là vợ đến thăm chồng, thì phải có giấy đăng ký kết hôn. Tất cả trường hợp vào thăm đều qua bộ phận kiểm tra nghiêm ngặt, tránh tình trạng thẩm lậu ma túy vào cơ sở.
Với những học viên mới tiếp nhận, cơ sở tiến hành xét nghiệm kiểm tra các chất ma túy trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình, đến cuối ngày xét nghiệm tại chỗ thêm lần nữa để có kết quả chuẩn xác. Sau đó, học viên tiếp tục cách ly 3 ngày dưới sự theo dõi 24/7 của lực lượng cán bộ, nhân viên, phòng trường hợp họ mang theo ma túy bằng những cách tinh vi, chẳng hạn như nuốt vào bụng, thì lượng ma túy mang vào cũng sẽ được kiểm soát…
Ngoài ra, chúng tôi bố trí lực lượng tăng cường tuần tra vào các giờ cao điểm, tập trung tại những vị trí xung yếu (sân bóng, vườn rau, khu chăn nuôi, tường rào...). Hệ thống camera an ninh được lắp đặt ở nhiều nơi, có người theo dõi thường xuyên, kiên quyết không để lọt đồ thẩm lậu vào đơn vị. Phía bên trong, các phòng, đội phối hợp kiểm tra liên phòng, ngăn chặn việc thẩm lậu đồ cấm từ bên ngoài vào trong cho học viên. Trường hợp nào vi phạm quy chế sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm.
- Nhiều ý kiến phản ánh, dù được quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt, song công tác đưa người nghiện, người sử dụng ma túy đi cai nghiện tự nguyện vẫn gặp không ít khó khăn. Từ thực tế triển khai, ông thấy vấn đề này thế nào?
- Trước hết là do bản thân đa số người nghiện không muốn đi cai, còn một số gia đình không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Hơn nữa, từ năm 2023, các địa phương không xây dựng chỉ tiêu đưa người nghiện đi cai nghiện tự nguyện, nên có những nơi, các lực lượng chức năng chưa cố gắng hết mình để có thể đưa càng nhiều người nghiện, người sử dụng ma túy đi cai càng tốt cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội…
Do đó, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 phân công cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, giới thiệu về mô hình cai nghiện tự nguyện, giúp người dân thấy rõ những lợi ích, ưu điểm để vận động người nghiện ma túy đi điều trị. Chúng tôi cũng kết nối với một số điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện ngoài cộng đồng để tư vấn về nhiều mặt cho các trường hợp có nhu cầu; kết nối với một số trung tâm giới thiệu việc làm để tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp giới thiệu cho học viên sắp kết thúc thời gian điều trị.
Sau khi học viên về bên gia đình, cộng đồng, đội ngũ cán bộ tư vấn của Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội vẫn duy trì kết nối với học viên và gia đình thông qua mạng xã hội Zalo và nhiều kênh thông tin khác, sẵn sàng tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan, qua đó giảm nguy cơ tái nghiện cho học viên.
- Thưa ông, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, chăm sóc, giáo dục, điều trị cho người cai nghiện tự nguyện, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đạt được kết quả gì?
- Kết quả lớn nhất mà chúng tôi nhận được đó là niềm tin của học viên và gia đình họ. Dẫn chứng là, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ sở đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho 350 lượt người đi cai nghiện tự nguyện, đạt hơn 90% kế hoạch cả năm. Ngoài ra, cơ sở duy trì điều trị Methadone cho hơn 100 người. Sức khỏe thể chất, tinh thần của học viên chuyển biến theo hướng tích cực… Hiện khoảng 30% số học viên đăng ký điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội do biết đến uy tín của đơn vị và tìm đến để gửi gắm niềm tin (trước đây chỉ có khoảng 5%). Tương lai, chúng tôi tin tỷ lệ này sẽ tăng lên.
- Trân trọng cảm ơn ông!