Để giáo dục nghề nghiệp Thủ đô phát triển
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược, đồng thời định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt. Trong bối cảnh đó, giáo dục nghề nghiệp Thủ đô càng cần phải năng động, sáng tạo, tổ chức đào tạo nghề linh hoạt theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tạo việc làm bền vững.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ mới đây, Hoa Kỳ đã khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Hai bên tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Nhắc lại nội dung thời sự này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Trần Xuân Ngọc cho rằng, Hà Nội với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực và thế giới, rất phù hợp để phát triển đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, cần có sự chuẩn bị thật nhanh các điều kiện cần thiết để có thể nắm bắt cơ hội, trong đó sớm mở rộng tính tự chủ, quyền tự chủ cho các trường nghề.
Ở một góc độ khác, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Vi Thị Hồng Minh nêu khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các chính sách của Nhà nước về đào tạo. Đơn cử như việc doanh nghiệp rất khó bảo đảm người lao động tuân thủ cam kết trong hợp đồng đào tạo theo Bộ luật Lao động, đặc biệt là nội dung bồi thường chi phí đào tạo nếu người lao động vi phạm hợp đồng, không làm đủ thời gian cam kết sau khi đào tạo. Cùng với đó là việc doanh nghiệp khó xác định được chi phí đào tạo khi tiếp cận chế độ chính sách ưu đãi, các chính sách để thúc đẩy gắn kết nhà trường và doanh nghiệp còn xa vời giữa hai chủ thể… Hay như nghịch lý đang tồn tại ở một số doanh nghiệp, đó là lao động được đào tạo bài bản, có chứng chỉ chứng nhận tay nghề nhiều khi lại khó kiếm việc làm hơn lao động phổ thông. Bởi một số doanh nghiệp thà tuyển dụng lao động phổ thông, đào tạo kiểu “cầm tay chỉ việc” chừng 10-12 ngày là sử dụng, chứ không muốn thuê người có đủ chứng chỉ để tránh phải trả mức lương cao, dẫn đến phải nộp bảo hiểm xã hội cao…
Gợi mở những giải pháp
Bàn về hướng tháo gỡ khó khăn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái nêu quan điểm: Cần có cơ chế chính sách phù hợp, sát thực tiễn, khuyến khích sự vào cuộc đồng bộ của doanh nghiệp, nhà trường, người lao động, đội ngũ giáo viên trong việc tạo nên nguồn nhân lực thực sự có năng lực, có năng suất lao động cao.
Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đào tạo nghề, việc làm, theo bà Vi Thị Hồng Minh, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự đào tạo, trung tâm thẩm định bên ngoài vào sát hạch và công nhận trình độ tay nghề, đủ điều kiện hành nghề. Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ sở đào tạo nội bộ nhưng chưa được cấp phép. Ngoài ra, để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề mà chưa rõ quyền lợi, ưu đãi, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người lao động học nghề, trong đó có việc cân nhắc giảm thẳng thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia đào tạo, tương tự như ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ…
Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Bùi Kim Giang đề xuất tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo, tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội Khuất Duy Bằng:
Tăng cường khả năng sáng tạo cho học viênMột trong những hướng đi hiệu quả của Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội là cùng với việc phát triển nhóm nghề khối công nghiệp như điện công nghiệp, điện tử dân dụng, hàn, công nghệ thông tin… chúng tôi còn đầu tư khối nghề mỹ nghệ như kỹ thuật sơn mài và khảm trai, kỹ thuật điêu khắc gỗ, sản xuất hàng mây tre đan…
Thực tế ở các làng nghề, các nghệ nhân thường truyền thụ kiến thức theo kiểu cha truyền con nối, làm theo mẫu có sẵn nên một số em còn thiếu kiến thức bài bản, đặc biệt là về thẩm mỹ. Khi đăng ký học tại trường, các em được thực hiện quy trình đào tạo bài bản chuyên nghiệp, đặc biệt là về an toàn lao động, đồng thời, có khả năng sáng tạo nhiều mẫu mã mới. Kết quả là nhiều doanh nghiệp ghi nhận thương hiệu của nhà trường, bởi thông qua đào tạo, họ dễ dàng tuyển dụng, không phải đào tạo lại. Với nghề truyền thống, thu nhập của những em thực sự giỏi và đam mê công việc không dừng ở mức từ 8 đến 12 triệu đồng mà có thể đạt 50 triệu đồng/tháng.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề cơ khí I Hà Nội Phạm Quang Vinh:
Chú trọng chuyển đổi số trong quản trị, phát triểnLà trường công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội với bề dày truyền thống gần 50 năm, chúng tôi đã và đang từng bước tiến hành số hóa hoạt động của nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, bảo đảm chất lượng dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Do kinh phí hoạt động trường nghề không nhiều nên chúng tôi luôn phải cân nhắc sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Đơn cử như áp dụng việc đào tạo trực tuyến trên nền tảng Canvas, mã mở, chi phí không lớn, nhưng đòi hỏi mỗi giáo viên đều phải chủ động thay đổi hoàn toàn cách dạy và học, xây dựng nội dung đào tạo sát thực tiễn, linh hoạt và sáng tạo, tiếp cận ngày càng gần hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mời các chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy, rèn nghề cho sinh viên qua quá trình thực tập ngay tại doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động đào tạo của trường luôn gắn sát với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy:
Nhiều doanh nghiệp rất “khát” nhân lực có tay nghềTrường chúng tôi có lợi thế nằm ở trung tâm (số 131 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa), việc hợp tác tuyển sinh có nhiều thuận lợi. Hiện nay, chúng tôi đã thiết lập quan hệ hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp. Trong đó, có công ty của Trung Quốc đã “đặt hàng” chúng tôi đào tạo kỹ thuật viên cho họ. Nếu sinh viên đạt yêu cầu, được ký hợp đồng, họ cam kết trả mức lương trên 12 triệu đồng như đối với kỹ thuật viên của họ. Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ cần trường cung cấp mặt bằng, họ sẵn sàng đưa toàn bộ hệ thống trang thiết bị sản xuất, lập thành xưởng sản xuất ngay tại trường. Kể ra thế để thấy nhiều doanh nghiệp rất “khát” nhân lực có tay nghề, kỹ năng đáp ứng ngay được nhu cầu, và họ sẵn sàng hợp tác tối đa trong đào tạo.
Tôi mong thời gian tới, các doanh nghiệp được nắm rõ họ được những quyền lợi gì khi hợp tác chặt chẽ với các trường nghề trong đào tạo nhân lực. Đây là việc cần làm tốt hơn trong thời gian tới.
Thu Minh ghi