Hà Nội kết nối

Tiktok, Google, Facebook cần chung tay cùng ASEAN phòng, chống tin giả

Xuân Sơn 19/09/2023 - 18:46

Tin giả, tin sai sự thật đang trở thành vấn đề không chỉ riêng khu vực ASEAN mà mang tính toàn cầu, ảnh hưởng tình hình kinh tế, chính trị của các quốc gia và cần có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để.

quanh-canh.jpg
Quang cảnh diễn đàn.

Đó là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng diễn ra ngày 19-9.

Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện quốc tế về thông tin và truyền thông trong khu vực ASEAN được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đăng cai tại thành phố Đà Nẵng, từ nay đến 23-9.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, tại Việt Nam có 4 nền tảng lớn gồm: Zalo với 47 triệu người dùng, Youtube 63 triệu người dùng, Facebook 66 triệu người dùng và TikTok với gần 50 triệu người dùng. Trong đó Facebook, Youtube và Tiktok là nơi ghi nhận sự lan truyền nhanh chóng của những thông tin sai lệch.

2.-le-quang-tu-do.jpg
Ông Lê Quang Tự Do phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Do, Việt Nam đã có nhiều quy định để xử lý thông tin sai sự thật hiệu quả. Những tài khoản không được xác thực, tài khoản lan truyền thông tin sai sự thật sẽ bị dừng.

Sắp tới, Việt Nam sẽ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới dừng đăng tải lại những nội dung thông tin sai sự thật; yêu cầu các nền tảng này phải loại bỏ các thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trong vòng 48h. Trong một số trường hợp cấp bách, phải loại bỏ thông tin trong 24h hoặc 6h khi sự việc xảy ra.

Bà Tunku Ahmad, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông Malaysia cho hay, nước này cũng đang đối mặt với vấn nạn tin giả lan truyền tràn lan trên internet và mạng xã hội; nhiều tin tức giả mạo ảnh hưởng sự đoàn kết và ổn định quốc gia. Hiện Chính phủ nước này đã ban hành những phương án xử lý, phòng, chống tin giả như xây dựng cổng thông tin giúp người dân kiểm chứng thông tin hay lập nhóm thông tin phản ứng nhanh…

screenshot_20230919-180634_photos.jpg
Các đại biểu dự diễn đàn.

Ông Izzad Zanman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin của Ban Thư ký ASEAN cho hay, các trang web thông tin sai sự thật hiện nay đang nhắm đến mục tiêu kinh tế và chính trị. Điều này đòi hỏi các nước thành viên ASEAN phải hành động nhiều hơn để chống lại vấn nạn tin giả.

Bên cạnh vai trò quản lý của Chính phủ trong việc chống lại tin tức giả và thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông, các quốc gia cần tăng cường phối hợp với Google, TikTok… tổ chức các nghị, diễn đàn, tập huấn về phòng, chống thông tin giả.

Tại diễn đàn, đại diện Google và Tiktok cùng cam kết hợp tác với Chính phủ các nước ASEAN trong ứng phó và xử lý thông tin giả, tin sai sự thật, trong đó có những chương trình làm việc, thảo luận cụ thể với các bộ, ngành liên quan của các quốc gia để có phương án phù hợp.

Kết luận bế mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đồng tình với quan điểm các nền tảng mạng xã hội trực tuyến cần phải tương tác hiệu quả hơn với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời nhấn mạnh các giải pháp để phòng, chống tin giả.

Trước hết là cần nâng cao nhận thức của công chúng; tiếp đó là khuyến khích giao tiếp hiệu quả thông qua các kênh chính thức, như cơ chế người phát ngôn, nâng cao năng lực của nhà báo, đa dạng hóa các phương tiện truyền thông...

Đồng thời cần ứng dụng tiến bộ công nghệ trong phát hiện và xử lý thông tin; tiếp tục cập nhật chính sách giữa các nước thành viên và các bên liên quan để giải quyết thách thức chung về vấn đề tin giả một cách hiệu quả.

Từ năm 2017 đến nay, ASEAN đưa ra nhiều tuyên bố và hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của tin sai sự thật và tin giả. Đặc biệt là Khung và Tuyên bố chung về giảm thiểu tác hại của tin giả tại Hội nghị Bộ trưởng AMRI lần thứ 14; sáng kiến của Việt Nam về việc thành lập Nhóm đặc trách ASEAN về tin giả được thông qua tại Hội nghị các quan chức cấp cao phụ trách về Thông tin ASEAN (SOMRI) lần thứ 19 năm 2022.