Kinh tế

Người tiêu dùng quốc tế chú trọng cách thức sản xuất hàng hóa

Lam Giang 19/09/2023 - 17:15

Người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm, chú trọng đến cách sản xuất sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững hay không và việc đối xử với người lao động như thế nào… khi mua sản phẩm.

Thông tin trên được ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nêu tại tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 19-9 với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU”.

19.9-toa-dam-xk-xanh-sang-eu.jpg
Tọa đàm Chuyển đổi xanh - Yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) thiên nhiều về phát triển bền vững, trong đó đề cập tới vấn đề môi trường và lao động cùng cơ chế thực thi, giám sát khá rõ ràng.

Việt Nam - EU chống các hành động, hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến bảo tồn sinh học, đặc biệt là ngăn chặn và hạn chế tối đa các hoạt động mua bán, trao đổi động vật trái phép.

Hai bên phối hợp để bảo tồn, phát triển rừng bền vững theo hướng hạn chế cũng như ngăn chặn các sản phẩm sử dụng các nguồn gốc gỗ không hợp pháp. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải xanh hóa sản xuất, lựa chọn nguyên liệu thân thiện môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các nguồn nguyên liệu gây hại.

“Hiện nay, người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm, chú trọng đến cách sản xuất sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững hay không và việc đối xử với người lao động như thế nào… ’, ông Khanh nói.

Theo bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, các quy định về môi trường đối với các sản phẩm trong nước đã sớm được EU quy định từ năm 1987, tuy nhiên gần đây được quy định chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn. Điều này bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh đưa ra các đề xuất khác nhau, toàn diện trong tất cả lĩnh vực.

Những quy định này ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu của Việt Nam. Đó không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU mà với cả những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm tại thị trường này, bà Loan cho biết.

go.jpg
Gỗ nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu cần có nguồn gốc hợp pháp. Ảnh minh họa: Internet

Do đó, để xuất khẩu bền vững sang thị trường EU và các thị trường lớn khác, các diễn giả tham gia tọa đàm cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường này.

Cụ thể như, nhập khẩu nguyên liệu gỗ phải có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, hay quá trình nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp cũng cần bảo đảm được các thủ tục, các tiêu chuẩn để được chứng nhận sang thị trường EU. Tuyệt đối không tham gia hay mua bán các sản phẩm có nguồn gốc từ đánh bắt cá trái phép, sử dụng các công cụ gây thiệt hại đến nguồn sinh vật biển.